Xâm nhập mặn tăng cao, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở Hậu Giang

0:00 / 0:00
0:00
Đóng cống ngăn mặn ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: DK
Đóng cống ngăn mặn ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: DK
TPO - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, xâm nhập mặn (XNM) theo triều biển Tây trên sông Cái Lớn từ ngày 3-8/4 sẽ tăng nhanh và ở mức khá cao, đồng thời sẽ xâm nhập sâu vào các sông, rạch trên địa bàn.

Đây được xem là đợt XNM với nồng độ cao nhất tính từ đầu mùa khô đến nay. Dự báo nồng độ mặn cao nhất tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ trong 10 ngày tới dao động từ 4-15,2‰; tại TP Vị Thanh cũng dao động từ 2,5-14,4‰. Cụ thể như, trên sông Nước Đục tại bến phà xã Hỏa Tiến là 14,4‰; trên sông Cái Lớn tại kênh Lầu là 13,8‰. Bình quân độ mặn cao hơn từ 3,2-4,2‰ so với tuần trước đó, thời gian mặn xuất hiện cao nhất trong ngày từ 8-12 giờ và 21-24 giờ.

Trước đó, cuối tháng 3, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã cho đóng loạt cống ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thanh Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, mặn xâm nhập vào địa bàn Hậu Giang chủ yếu từ biển Tây qua sông Cái Lớn.

Theo ông Toàn, việc vận hành cống ngăn mặn được xử lý linh hoạt, đúng thời điểm, bảo đảm ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng, bảo vệ sản xuất, cây trồng, nhưng cũng mở đúng lúc để lưu thông dòng chảy, tránh gây ô nhiễm môi trường. “Tinh thần là mặn tới đâu đóng tới đó chứ không phải đóng hết, khi triều rút, mặn xuống thì mở bình thường, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của bà con” – ông Toàn cho hay.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, ngoài tình hình XNM, những ngày này, nắng nóng cùng với lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào địa bàn tỉnh trong khoảng 10 ngày tới cũng sẽ giảm nhanh; từ đó lưu lượng dòng chảy trên sông, rạch không đủ cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và xuất hiện tình trạng thiếu nước ở một số địa phương như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, một số xã ở TP Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy…

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương thực hiện nội dung tại Công điện hỏa tốc số 369/CĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó XNM, thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL.

Theo Công điện, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021 tại vùng ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển đã xảy ra tình trạng hạn hán, XNM, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Theo dự báo, trong tháng 4/2021 sẽ còn tiếp tục xảy ra một số đợt XNM gia tăng.

Để chủ động ứng phó với tình trạng XNM, thiếu nước ngọt xảy ra cục bộ, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước, XNM, bảo đảm đời sống người dân…

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tuần này mặn có xu thế giảm và tăng trở lại vào tuần từ ngày 9-13/4, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu nhất trên sông Cửu Long từ 40-50km, sông Vàm Cỏ 85-90km, sông Cái Lớn 50-55km. Các địa phương cần tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

XNM cao nhất trên các cửa sông Cửu Long trong tháng vào kỳ triều cường từ ngày 9-12/4, cần chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với mặn tăng trở lại ở các kỳ triều cường. Vùng ven biển, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, cần chủ động kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại…

MỚI - NÓNG