Nhận diện vùng ĐBSCL sau 3 năm thực hiện nghị quyết “thuận thiên”

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 13/3 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thông tin, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.

Nhận diện vùng ĐBSCL sau 3 năm thực hiện nghị quyết “thuận thiên” ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, thiệt hại về diện tích lúa đợt hạn mặn 2019-2020 chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.

Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của BĐKH; khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với BĐKH toàn cầu...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít hạn chế. Trong hơn 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước.

Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặ biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông...

Nghị quyết 120 được ban hành sau Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nên mặc dù nguồn lực thực hiện nghị quyết đã được quan tâm, thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá.

Tư duy phát triển thuận thiên, theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng do chưa có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu để tạo ra động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản là thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, số liệu, dữ liệu mới được quan tâm thúc đẩy trong thời gian gần đây nên chưa cung cấp đủ cơ sở, luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch...

Nhận diện vùng ĐBSCL sau 3 năm thực hiện nghị quyết “thuận thiên” ảnh 2 Lúa của người dân Tiền Giang bị thiệt hại trong đợt hạn mặn 2019-2020. Ảnh: CK

Theo Bộ TN&MT, ĐBSCL đứng trước không ít thách thức. BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn.

Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL.

Nghị quyết 120 mới được triển khai thực hiện hơn 3 năm và mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai khối lượng công việc lớn đã được đề ra.

Theo Bộ GTVT, kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển, lên kết nội vùng và liên vùng đặc biệt liên kết vùng ĐBSCL với Đông Nam Bộ còn yếu. Trong giai đoạn từ 2016-2021, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng.

Hiện Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước khoảng 573.466 tỷ đồng. Riêng đối với vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đã cho chuẩn bị đầu tư mới 37 dự án đối với 4 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) với tổng mức đầu tư khoảng 182.713 tỷ đồng…

MỚI - NÓNG