Dẫn chứng những câu chuyện từ thời vua chúa xa xưa, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cảm giác như ngành nông nghiệp ĐBSCL “cứ hết một năm được mùa được giá thì vui, nhưng rồi cũng sẽ qua; không chừng năm sau đó lại rơi vào cảnh mất giá, rồi lại buồn”. Đây là hai trạng thái vốn xảy ra liên tục đối với ngành nông nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua.
Nói về hệ sinh thái của vùng ĐBSCL, ông Hoan lấy ví dụ với con cua, với đại ý ngày xưa, khi vào mùa lũ, ở ĐBSCL cua rất nhiều, nhưng ngày nay hầu như không còn nữa. “Rõ ràng hệ sinh thái của ĐBSCL đã bị làm ‘biến dạng’ vì lạm dụng vật tư trong quá trình phát triển nông nghiệp. Phân thuốc đi đâu? Rõ ràng nó xuống đất, theo dòng nước đi ra ao hồ, sông ngòi” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói, đồng thời gợi ý, mục tiêu của ngành nông nghiệp là phải đạt mục tiêu kép, tức vừa phát triển nhưng phải tiếp tục giữ được hệ sinh thái.
Trở lại một hội nghị trước đây, khi có bài viết đề cập “điểm nghẽn” của nông nghiệp Việt Nam, đó là nông dân có tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ và chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, tức tất cả mọi người đều có suy nghĩ ngắn hạn. Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Tôi muốn nói điều đó để nhấn mạnh với các giám đốc Sở NN&PTNT của 13 địa phương ĐBSCL ngồi đây rằng ngành nông nghiệp chúng ta không thể loay hoay hết Hè Thu đến Thu Đông, hết Thu Đông đến Đông Xuân và hết Đông Xuân lại Hè Thu mãi như vậy. Vấn đề của ĐBSCL không thể giải quyết từng mùa vụ, mà phải có chiến lược phát triển đồng bộ cho đồng bằng.”
Theo ông Hoan, phát triển bền vững là chúng ta sống ngày hôm nay, nhưng thế hệ con cháu vẫn còn đất, vẫn còn đủ chất dinh dưỡng, sông ngòi vẫn còn đảm bảo thì mới gọi là bền vững. Mặt khác, nền nông nghiệp đang ở trong thời kỳ cuộc cách mạng 4.0, tức nông nghiệp sẽ kéo theo nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số chứ không phải là nông nghiệp truyền thống. Nếu cứ năng suất, sản lượng thì đồ thị phát triển nông nghiệp sẽ nằm ngang, chứ không thẳng đứng lên được…
Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, ĐBSCL đã dựa vào nông nghiệp, vào cây lúa quá lâu. Điều này dẫn đến thua thiệt khi so sánh với những địa phương/vùng miền khác. Theo ông Mạnh, ở một số địa phương, khi thu hút được một hai nhà máy sản xuất công nghiệp lớn đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, có được nguồn lực dư thừa để đầu tư cho y tế, giáo dục, hạ tầng…
“Hệ quả của phụ thuộc quá lớn vào nông nghiệp đó là người dân sẽ tiếp tục di cư ra khỏi vùng. Với bối cảnh đó, chúng ta phải cân nhắc lại, chọn cái gì, làm đến đâu… Nếu chúng ta cứ ráng sức làm tất cả, thì chắc chắn sẽ tiếp tục sa lầy, bà con sẽ tiếp tục di cư” – Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói.