Miền Tây sắp vào cao điểm xâm nhập mặn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dòng chảy mùa khô năm 2023 tiếp tục sụt giảm, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội đồng, sâu nhất trong tháng 2 sẽ trong khoảng từ ngày 19-22/2023. Xâm nhập mặn trên các sông chính tại ĐBSCL sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Ủy ban Sông Mekong Việt Nam (VNMC) cho hay, theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong tháng 2/2023 có xu thế giảm, ở mức thấp hơn hoặc tương đương trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước tại các trạm thượng nguồn cũng có xu thế giảm, các hình thái thời tiết gây mưa trên lưu vực không nhiều, do đó dòng chảy trên dòng chính Mekong sẽ tiếp tục giảm.

Tổng lưu lượng trung bình ngày về ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 2/2023 được nhận định sẽ biến động theo xu hướng giảm dần từ khoảng 6.000m3/s xuống 4.500m3/s...

Mặn nồng độ 1g/l được nhận định vào sâu nhất trên sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây sâu hơn từ 3- 7km so với TBNN; còn độ mặn 4g/l vào sâu hơn từ 4- 6km so với TBNN. Nền dòng chảy mùa khô năm 2023 tiếp tục sụt giảm, mặn sẽ xâm nhập mạnh hơn vào nội đồng, sâu nhất trong tháng 2 là từ ngày 19-22/2023.

Các các huyện thường xuyên bị nhiễm mặn bao gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An (Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, TX Ngã Năm (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, TP Ngã Bảy, TP Vị Thanh (Hậu Giang).

Miền Tây sắp vào cao điểm xâm nhập mặn ảnh 1

Đo nồng độ mặn ở Trà Vinh.

Chủ động ứng phó

Ông Trần Trường Giang – Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết, cơ quan chuyên môn và các địa phương chủ động vận hành đóng mở các cống ngăn mặn theo tình hình con nước, khi mặn lên thì đóng cống và khi mặn rút thì mở cống lấy nước.

“Theo dự báo thì tình hình hạn mặn năm nay cũng không căng thẳng như các mùa khô 2015-2016 hay 2020-2021. Tuy nhiên, trước đó ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con sản xuất đúng lịch thời vụ để né hạn mặn, đảm bảo an toàn, hiệu quả vụ Đông Xuân” – ông Giang nói.

Còn tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, tình hình xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp, độ mặn trên các tuyến sông Hậu, sông Mỹ Thanh có xu hướng tăng cao trong các đợt triều cường.

“Trước đó, chúng tôi cũng lưu ý bà con tích trữ nước phục vụ cho việc tưới tiêu, các cống ngăn mặn vùng Long Phú – Tiếp Nhựt đã đóng. Ngành chức năng cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền diễn biến, tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo địa phương và thông tin qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… để người dân biết và chủ động ứng phó” - ông Đạo cho hay.

Để phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022- 2023, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã giao Sở NN&PTNT, Công ty CP Thủy lợi Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 2 và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các công trình thủy lợi trên địa bàn, gia cố các công trình hư hỏng, xuống cấp; nạo vét hệ thống kênh mương, vận hành các công trình thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, bước sang tháng 2, độ mặn có xu hướng tăng cao theo các kỳ triều cường. Các địa phương và người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, kịp thời nắm bắt thông tin về diễn biến xâm nhập mặn, chủ động đóng cống, trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Miền Tây sắp vào cao điểm xâm nhập mặn ảnh 2

Các địa phương chủ động vận hành cống ngăn mặn.

Trước đó, nhận định về tình hình tài nguyên nước về ĐBSCL trong mùa khô năm 2023, Văn phòng Thường trực VNMC cho biết: Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô (tháng 1 đến hết tháng 5/2023) đạt từ 67- 75 tỷ m3, thấp hơn TBNN (78 tỷ m3) và cùng kỳ năm 2022 (84 tỷ m3).

Dự báo ranh mặn 1g/l trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 47-58km (sâu hơn TBNN từ 4-10km); trên sông Hậu từ 45-78km (sâu hơn TBNN từ 7-15km); trên sông Vàm Cỏ Tây từ 75- 110km (sâu hơn TBNN từ 8-17km).

Còn ranh mặn 4g/l trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 43- 53km (sâu hơn TBNN từ 4-8km); trên sông Hậu từ 44- 65km (sâu hơn TBNN từ 5-10km); trên sông Vàm Cỏ Tây từ 71- 98km (sâu hơn TBNN từ 7- 13km).

“Do nguồn nước trong mùa khô khan hiếm, đề nghị các địa phương lên kế hoạch lấy nước luân phiên cho phù hợp, tránh xảy ra trường hợp khan hiếm nước cục bộ, tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng” – VNMC khuyến cáo.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc vào sự vận hành của thủy điện thượng nguồn sông Mekong. Trong 3 tuần liên tiếp (19/1-9/2/2023), xả nước từ thủy điện ở thượng nguồn ở Trung Quốc xuống hạ lưu đã giảm xuống mức thấp nhất trong những tháng gần đây, nếu việc xả nước hạn chế tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 là rất cao.

MỚI - NÓNG