Theo VCCI Cần Thơ, những DN tham gia khảo sát có địa chỉ hoạt động chính tại các tỉnh ven biển, chịu ảnh hưởng của hạn mặn, phần lớn đã trải qua những đợt hạn mặn kỷ lục vào các năm 2016 và 2020. Trong đó, số lượng DN trong lĩnh vực kinh doanh nông thủy sản chiếm đa số.
Kết quả khảo sát cho thấy, về mức độ rủi ro do hạn mặn gây ra, có 23% DN cho rằng rất nghiêm trọng; 58% cho biết là nghiêm trọng; 19% cho là ở mức trung bình. Về góc độ cơ hội kinh doanh, có gần 50% DN cho biết nhiều rủi ro, ít cơ hội; hơn 11% cho biết chỉ có rủi ro…
Có hơn 66% DN cho rằng hiện tượng xâm nhập mặn là hiện tượng mà DN đã và đang gặp phải nhiều nhất. Thứ hai là nắng nóng kéo dài (gần 64%). Tiếp đến là hiện tượng thiếu nước, mưa to thất thường và hạn hán. Một số hiện tượng còn lại là nền nhiệt tăng cao, sạt lở, lốc xoáy, đất sụt lún, triều cường...
Xâm nhập mặn cũng là mối nguy đe dọa lớn nhất đối với DN trong tương lai. Nguyên nhân là nước mặn làm cho diện tích sản xuất nguyên liệu về nông sản và thủy sản của DN bị thiệt hại, gây thiếu hụt nước trong sản xuất kinh doanh, hư hỏng, rỉ sét máy móc.
Cánh đồng lúa ở Gò Công Đông (Tiền Giang) bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019-2020. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Mối đe dọa thứ hai là nắng nóng kéo dài, hiện tượng này sẽ dẫn đến mối đe dọa thứ ba là thiếu nước.
Có hơn 73% DN cho rằng hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nói chung trong 5 năm gần nhất. Có 80% DN có vùng nguyên liệu/vùng sản xuất nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hạn mặn.
Tổn thương nhiều nhất là bị mất mùa, giảm chất lượng nguyên liệu; kế đến là hàng hóa nguyên liệu tăng cao; gián đoạn sản xuất; giảm doanh số bán hàng; thiếu lực lượng lao động (do di cư)…
Nếu tình trạng hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp trong tương lai, DN phải xem xét nhiều và kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn vùng sản xuất và thu mua nguyên liệu.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ - cho biết, thực tế 5 năm qua, hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Xâm nhập mặn, hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản cũng như nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và giảm năng lực cạnh tranh của DN.
"Chúng ta đang chuyển dần từ trạng thái thụ động sang chủ động thích ứng, sáng tạo những giải pháp, công nghệ thích ứng để giảm thiểu tác động từ thiên nhiên. Cộng đồng DN đã hiểu và rất chủ động tham gia giảm thải phát thải nhà kính theo cam kết của Chính phủ với quốc tế, bằng chứng là nhiều DN sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hữu ích, ứng dụng công nghệ nuôi trồng có lượng phát thải thấp, sử dụng các nguồn lực đầu vào một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những DN tiên phong, vẫn còn nhiều DN còn thờ ơ và chưa có nhiều quan tâm bởi trình độ và hiểu biết hạn chế. Nhiều thông tin, chính sách từ trung ương hay địa phương chưa đến được người dân, DN do thiếu những kênh thông tin chính thống và tin cậy... nên các giải pháp thích ứng với BĐKH gắn với phát triển kinh tế hiện nay còn khá rời rạc…" - Giám đốc VCCI Cần Thơ nói.
Có hơn 68% DN không tiếp cận các chính sách hỗ trợ, quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương liên quan đến phòng chống và ứng phó với thiên tai. Gần 55% DN cho biết không nhận được hỗ trợ trong và sau diễn biến của hạn mặn…