TPO - Hiện đang là thời kỳ cao điểm mùa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra khốc liệt hơn cả năm hạn, mặn lịch sử 2016, có nơi mặn xâm nhập sâu đến 120km.
Những cánh đồng kiệt nước, nứt nẻ ở Sóc Trăng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Tính đến ngày 6/2, tỉnh đã xuống giống vụ lúa được 197.068ha, thu hoạch 80.917ha, năng suất bình quân 6,27 tấn/ha; sản lượng lúa đạt 507.757 tấn.
Do tỉnh chủ động ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống không bị thiệt hại. Tuy nhiên, có 1.000ha bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn là do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 (vụ Xuân – Hè) không theo khuyến cáo.
Ông Thạch Cường (53 tuổi, ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã bơm nước từ sông vào ruộng để cứu lúa 1,5 tháng tuổi đang chuẩn bị giai đoạn làm đòng, tuy nhiên năm nay mặn xâm nhập sớm khiến đất nứt nẻ, không đủ nước cho lúa phát triển.
Nhiều người chán nản bỏ luôn, có người thấy lúa còn xanh nên cố gắng cứu được chút nào hay chút đó, nhưng nước bơm vào không phải nước ngọt mà là nước mặn hơn 2‰.
Cống ngăn mặn là công trình hiện diện khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Những con kênh trơ đáy.
Ông Sơn Ngọc Thành (ấp Tân Quy, xã Tân Hưng. huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) có 1,5ha lúa được hơn 30 ngày tuổi cũng coi như "thất thủ". "Sáng định bơm nước vào ruộng cứu lúa nhưng thử nước thì mặn đắng, lúa làm sao chịu nổi, coi như mất trắng luôn rồi" - ông Thành lắc đầu ngao ngán rồi cho biết, năm 2016 mặn xâm nhập nhưng còn vớt vát chút đỉnh, còn năm nay mặn đến sớm hơn cả tháng, giống lúa Đài Thơm chịu mặn nhưng cũng bó tay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong chuyến khảo sát mới đây tại Trà Vinh.
Trong chuyến công tác mới đây tại các địa phương vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rằng, hạn mặn năm nay khắc nghiệt hơn mùa khô 2015-2016. Một trong những yếu tố chính là thượng nguồn mưa ít, lại kết thúc sớm, cùng với vùng ĐBSCL mưa ít, lũ kết thúc sớm.
Một con kênh kiệt nước ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 có thể thấp hơn so với trung bình và năm 2016. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, nguồn nước về thấp ngay vào nửa đầu tháng 2 này, vì vậy dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2, các địa phương cần chủ động ứng phó và tích trữ nước ngọt...