'Bước ngoặt' cho vùng đất Chín Rồng cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bản quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước. Sự kiện đánh dấu một “bước ngoặt”, mở ra vận hội mới cho vùng đất Chín Rồng cất cánh, phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Khơi thông tiềm năng, phát huy lợi thế

Vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng trọng điểm nông nghiệp, là trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực, có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.

'Bước ngoặt' cho vùng đất Chín Rồng cất cánh ảnh 1

Nhân chuyến thăm và làm việc tại thành phố Cần Thơ, sáng 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ lụy sụt lún, sạt lở… là những thách thức của ĐBSCL.

Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng là “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”. Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tinh thần “chủ động, linh hoạt” thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, ĐBSCL đang có cơ hội mới để phát triển. Bản quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết với TPHCM và Đông Nam Bộ… “ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững” - Chủ tịch VCCI nói.

Thông điệp tư duy mới

'Bước ngoặt' cho vùng đất Chín Rồng cất cánh ảnh 2
'Bước ngoặt' cho vùng đất Chín Rồng cất cánh ảnh 3

ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, thuỷ sản, trái cây

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng ĐBSCL nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho ĐBSCL. Như vậy, thông điệp “4 mới” cho vùng đất Chín Rồng’ đó là “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

Tư duy mới: Chủ động kiến tạo phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên.

Tầm nhìn mới: Phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Cơ hội mới: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đường ven biển. Phát triển nông nghiệp là thế mạnh, cũng là sứ mệnh, phát triển các sản phẩm chiến lược theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

Giá trị mới: ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng, trở thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại ĐBSCL do địa phương quản lý là 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, vốn NSNN đầu tư qua một số Bộ như: GTVT, NN&PTNT, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn này của vùng khoảng 460 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn, cụ thể sẽ bố trí đầu tư khoảng 400km đường cao tốc, bao gồm những trục chính kết nối TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh kết nối đến Rạch Giá...

“Cuối nhiệm kỳ này sẽ có khoảng 400-500km đường cao tốc. Với hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề, cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin rằng sau nhiệm kỳ này, ĐBSCL sẽ là điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao, có đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển đột phá” - Bộ trưởng GTVT nói.

Phát triển đột phá, bền vững

Tại sự kiện công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; có diện tích tự nhiên và dân số lớn; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu…

Tuy vậy, ĐBSCL vẫn còn những khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL. Trong đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương ĐBSCL tích cực triển khai Quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, chống biến đổi khí hậu… để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc…” - Thủ tướng kỳ vọng.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường:

Nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm vùng, Cần Thơ tăng cường liên kết, phối hợp các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh liên vùng, nhất là TPHCM để khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại… đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và vùng ĐBSCL.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.