Nhiều nông dân bỏ vụ vì chi phí tăng quá cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho hay, diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm nay trên địa bàn tỉnh giảm 50% so với cùng kỳ chủ yếu do giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, sản xuất của nông dân không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho hay, diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm nay trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, kế hoạch là 44 nghìn ha nhưng thực hiện chỉ đạt khoảng 25 nghìn ha, con số này cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, sản xuất của nông dân không có lãi.

“Đặc biệt, sản xuất vụ Thu Đông của tỉnh rơi trọn vào mùa mưa lũ, trong khi vụ Hè Thu trước đó nhiều nông dân đã lỗ rồi, nên vụ Thu Đông nhiều người ngán ngại, không dám xuống giống. Mặt khác, người dân cũng để tập trung cho vụ Đông Xuân vì đây là vụ cho kết quả khả quan hơn” – ông Liêm nói và cho biết diện tích lúa toàn tỉnh năm nay giảm gần 20 nghìn ha so với năm ngoái.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, "chìa khóa" để giảm chi phí sản xuất lúa gạo đó là giảm lượng giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích. Khi giảm lượng giống thì các chi phí cho phân bón, thuốc BVTV… giảm theo, chi phí trên 1kg lúa gạo sẽ giảm, đồng nghĩa lợi nhuận của bà con nông dân tăng lên.

Một ý nghĩa lớn hơn nữa là chúng ta phải cạnh tranh về xuất khẩu gạo với các quốc gia khác, nếu giá thành sản xuất thấp, doanh nghiệp có những thuận lợi khi mua gạo thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ tốt hơn. Việc giảm phân bón, thuốc BVTV sẽ đưa mức độ an toàn thực phẩm tăng lên, thuận lợi cho việc đạt các tiêu chí của các thị trường nhập khẩu khó tính; là cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam an toàn, thân thiện...

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, năng suất vụ Thu Đông ở ĐBSCL từ chỗ 4 tấn/ha vào năm 2000, hiện nay đã tăng lên 5,7 tấn/ha và xấp xỉ 6 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất vụ Hè Thu trong 20 năm qua tăng rất chậm, thậm chí có xu hướng đứng lại. Điều này cho thấy nhiều tiềm năng hơn về năng suất, chất lượng của vụ Thu Đông so với vụ Hè Thu.

“Như vậy, vấn đề đặt ra là, vụ Hè Thu có 1,5 triệu ha, còn vụ Thu Đông có khoảng 700 nghìn ha, tổng cộng hai vụ có 2,2 triệu ha. Nếu chúng ta điều chỉnh diện tích thời vụ lại, vụ Hè Thu khoảng 1 triệu ha và vụ Thu Đông 1,2 triệu ha thì có thể tăng được năng suất và sản lượng” – ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, hầu hết lúa Hè Thu ở ĐBSCL đều trổ, chín vào tháng 7 và tháng 8, đây là hai tháng có lượng mưa lớn nhất trong năm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Do vậy, sắp xếp lại thời vụ là điều cần thiết, tuy nhiên việc này còn có nhiều yếu tố, tùy theo từng địa phương…

"Điều quan trọng nữa, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu, khi thay đổi cơ cấu mùa vụ, thay đổi cách tổ chức sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sản lượng gạo. Do vậy, cần có ý kiến của các doanh nghiệp, nhà khoa học, địa phương, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để bố trí lại thời vụ, không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như thu nhập của bà con nông dân, đó là mục tiêu cần phải đạt khi thực hiện" - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay.

Nhiều nông dân bỏ vụ vì chi phí tăng quá cao ảnh 1

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tổng cục Thủy lợi cho biết, vụ Đông Xuân 2022- 2023, xâm nhập mặn (XNM) tại ĐBSCL xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn các đợt XNM lịch sử 2015- 2016 và 2019- 2020. Với khả năng cấp nước hiện tại của các công trình thủy lợi, ở thời điểm cao nhất, XNM khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh ven biển (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) với tổng diện tích gần 60.000ha.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu ha. Trong đó, các địa phương ven biển thực hiện 400.000ha trong tháng 10 để tránh hạn mặn; khoảng 700ha xuống giống trong tháng 11, diện tích còn lại xuống giống dứt điểm trong tháng 12.

MỚI - NÓNG