Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể vượt 6,5 triệu tấn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu (XK) gần 4,8 triệu tấn gạo, 4 tháng còn lại dự kiến XK 1,5 - 1,7 triệu tấn, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch cả năm (6,3 - 6,5 triệu tấn). 

Thông tin tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 vùng Nam Bộ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 22/9, tại Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - thông tin, 8 tháng đầu năm 2022, XK gạo Việt Nam đạt gần 4,8 triệu tấn, mang về kim ngạch gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 21% về lượng và gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá XK bình quân đạt gần 500 USD/tấn, giảm hơn gần 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 và chiếm tỷ trọng lớn của XK gạo Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, XK gạo Việt Nam sang thị trường này đạt gần 2,4 triệu tấn, với giá trị hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ 2021.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Philippines là thị trường hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến tình hình XK gạo của Việt Nam. Trước đây, khi thực hiện hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng thường 15-25% tấm. Nhưng sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu tự do thì thương nhân của họ tập trung vào phân khúc gạo thơm, chất lượng cao, đây cũng là lợi thế của Việt Nam vì hiện không có nước XK gạo nào thay thế được, với các giống như Đài Thơm 8, OM5451, OM18…

Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể vượt 6,5 triệu tấn ảnh 1

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ cán đích 6,5 triệu tấn (Ảnh: CK).

“Vì tính quan trọng của thị trường Philippines và lượng gạo họ nhập khẩu chiếm gần 50% gạo XK của Việt Nam, nên Hiệp hội cùng Bộ Công Thương cũng vừa tổ chức hội nghị gạo tại Philippines và họ đặc biệt quan tâm đến gạo Việt Nam. Sau khi Ấn Độ áp thuế XK gạo trắng và cấm XK gạo tấm, Philippines lo ngại nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, trong khi họ không thể ngừng nhập khẩu gạo. Nhu cầu sắp tới đối với gạo thơm như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 vẫn là chủng loại được ưa chuộng tại Philippines” - Chủ tịch VFA cho hay.

Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc, 8 tháng đầu năm nay Việt Nam XK sang Trung Quốc hơn 500.000 tấn gạo, giá trị gần 270 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Từ chỗ chiếm 30-40%, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% lượng gạo XK của Việt Nam. Thị trường này có sự thay đổi trong cơ cấu gạo nhập khẩu, tập trung nhập gạo nếp và gạo ST từ Việt Nam. Hiện tại nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc lớn nhưng Việt Nam không đủ nguồn cung.

Nói thêm về chính sách hạn chế XK gạo của Ấn Độ, Chủ tịch VFA cho rằng, chưa biết tình hình của Ấn Độ sẽ ra sao, nhưng động thái này ảnh hưởng đến thị trường gạo thế gới. Bởi Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Năm 2021, nước này XK hơn 21 triệu tấn gạo (lớn hơn 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Mỹ và Myanmar cộng lại). 6 tháng đầu năm nay, Ấn Độ XK hơn 11 triệu tấn. Chính sách của Ấn Độ vừa qua ảnh hưởng và dẫn đến giá gạo tăng thời gian tới.

Theo kế hoạch, XK gạo năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm, đã XK gần 4,8 triệu tấn, như vậy 4 tháng còn lại XK 1,5 - 1,7 triệu tấn, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Vụ Thu Đông 2022, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 700 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch và giảm 3.000 ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 1,03 tạ/ha và sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 55 nghìn tấn.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu ha, giảm gần 7.000 ha; năng suất hơn 70 tạ/ha, tăng 0,57 tạ/ha; sản lượng gần 11 triệu tấn, tăng 36.000 tấn so cùng kỳ.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.