Ngành lúa gạo và câu chuyện phải ‘thay đổi’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2021, toàn ngành nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Góp phần trong đó có ngành hàng lúa gạo khi là 1 trong 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sáng của ngành, vẫn còn những câu chuyện trăn trở, thậm chí cần “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất để người nông dân ‘sống’ được bền vững với nông nghiệp…

Tại một chương trình Talkshow (trò chuyện, trao đổi) với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn để nông dân ‘sống’ được” diễn ra cuối năm 2021, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nói rằng, ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng từng một thời phát triển nhờ lúa gạo.

Từ sản xuất lúa 1 vụ, đến 2 vụ, rồi xây đê bao để sản xuất lúa 3 vụ, đó là việc quá chú trọng vào chỉ tiêu gia tăng sản lượng. Không ít nhà khoa học từng cảnh báo sản xuất lúa liên vụ là mô hình sẽ đánh đổi rất nhiều, nhất là sự suy giảm chất dinh dưỡng trong đất, dịch bệnh và chi phí tăng lên...

Theo Bộ trưởng Hoan, ngành nông nghiệp không thể cứ mãi như vậy. “Khi tôi là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, tôi cũng chưa bao giờ đề ra một chỉ tiêu về lúa gạo. Bản thân diện tích đất để sản xuất lúa nó mặc nhiên quy ra một chỉ tiêu, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống dưới” - ông Hoan nói.

Ngành lúa gạo và câu chuyện phải ‘thay đổi’ ảnh 1

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, người nông dân canh tác xưa nay quen “tự do”, muốn trồng, muốn chặt tùy thích, không có ai tổ chức, chính điều này đã kéo dài cái nghèo của bà con. Nhược điểm của người nông dân, thậm chí cả doanh nghiệp (DN) là không biết rõ nhu cầu của thị trường họ cần gì.

Theo ông Xuân, Bộ NN&PTNT có thể nắm được thông qua thương vụ ở các nước để thông tin về nhu cầu, tập quán họ dùng sản phẩm nông sản như thế nào, từ đó đánh giá viễn cảnh nước ngoài cần những hàng gì, có thể sản xuất ở vùng sinh thái nào... Từ đó, có trao đổi, tạo điều kiện cho DN tìm hiểu thêm, ký kết hợp đồng, sau đó về tổ chức sản xuất.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải huấn luyện cho nông dân, nhà khoa học thì cung cấp kỹ thuật để nông dân sản xuất thành một vùng nguyên liệu rộng lớn, giúp DN có đủ hàng hóa chế biến ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng” – GS Xuân nói.

Làm gì để tránh rủi ro?

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mô hình chuyển đổi đất lúa sang kết hợp lúa với một loại hình khác như thủy sản, trồng cây công nghiệp ngắn ngày hay làm vườn… là những tín hiệu để thấy sự thay đổi. Tuy nhiên, khi khảo sát những mô hình chuyển đổi, ông Hoan cảnh báo rằng, đừng để rủi ro ở ngành hàng lúa gạo chuyển sang những ngành hàng khác.

Thực tế ở ĐBSCL, điển hình cho việc chuyển đổi là mấy năm gần đây nở rộ phòng trào chuyển từ đất lúa sang trồng mít (mít Thái), góp phần lớn đưa mít vào top 5 loại trái cây có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam (10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 140 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, ngoài chịu rủi ro năng suất suy giảm, độ thích ứng kém dần, thì mặt hàng mít đang còn bị rủi ro về thị trường tiêu thụ khi bị ách tắc thông quan ở biên giới phía Bắc. “Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, nhưng trước tiên, lãnh đạo địa phương cũng cần phải thay đổi, bởi nếu không chuẩn bị là chúng ta chuyển rủi ro từ ngành hàng này sang ngành hàng khác”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo.

Ngành lúa gạo và câu chuyện phải ‘thay đổi’ ảnh 2

Những năm gần đây, diện tích trồng mít ở ĐBSCL tăng mạnh. Ảnh: CK

Cho rằng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam được xem như “cuộc cách mạng” để tổ chức lại sản xuất, chứ không phải về khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng sản lượng nữa, Bộ trưởng Hoan nhận định: “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là ‘lời nguyền’ về sự yếu kém của nền nông nghiệp, nên phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua lời nguyền đó”.

Trong chiến lược phát triển sắp tới, Bộ NN&PTNT xoay quanh ba vấn đề: Hợp tác (hợp tác giữa những người sản xuất với nhau thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã); Liên kết (liên kết giữa hợp tác xã với DN); Thị trường (lấy thị trường để điều chỉnh kinh doanh sản xuất, chứ không phải sản xuất điều chỉnh thị trường).

“Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức các lớp nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân, chứ không giúp bằng giống, bởi chỉ có nông dân thay đổi, thì nông nghiệp mới thay đổi. Khi đó, người nông dân mới sống được với nông nghiệp, nông thôn” – Bộ trưởng Hoan cho hay.

Tại buổi tọa đàm “ĐBSCL: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi giữa tháng 12/2021, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, chủ trương thuận thiên với Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là khi biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng rất mạnh mẽ không chỉ cho ĐBSCL mà cho cả thế giới.

Bốn năm qua, sau khi có Nghị quyết 120, các tỉnh cũng như các bộ, ngành có chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển ĐBSCL, đi tới kinh tế nông nghiệp.

“Trước đây, bà con tự phát làm, tôi thấy có những chỗ trên cánh đồng lúa rất lớn bỗng nhiên có vườn mãng cầu, thỉnh thoảng có ruộng xoài 1-2 ha; có chỗ người ta không trồng lúa mà nuôi cá, mạnh ai nấy làm rất tự phát. Tôi mong rằng tới đây khi Chính phủ triển khai quy hoạch cụ thể hơn, để đây chắc chắn là thuận thiên.

Có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có, thay vì 3 vụ lúa vừa tốn kém nước ngọt hiếm hoi, thì mùa khô chuyển sang trồng xoài chẳng hạn. Những cách làm đó tới đây các ngành cũng như bà con nông dân ngồi lại cùng với DN bàn bạc để Nghị quyết thành công hơn” – Giáo sư Xuân kiến nghị.

MỚI - NÓNG