Thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến chia sẻ thông tin về dự án Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL diễn ra sáng nay (26/11).
Mở đầu hội thảo, chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện nêu ra 4 thông điệp chính: Thứ nhất, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Số liệu từ Bộ TN&MT cho thấy đồng bằng đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5mm/năm.
Thứ hai, sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.
Thứ ba, nguyên nhân chính của sụt lún do con người gây ra là KTNN quá mức. Trong những năm vừa qua, việc sử dụng nước ngầm đã gia tăng nhiều. Gần đây, hạn hán, ô nhiễm và xâm nhập mặn đã làm trầm trọng thêm việc sử dụng nước ngầm, do thiếu nước sử dụng, đặc biệt là vào mùa khô. Đồng thời, KTNN quá mức cũng làm tăng độ mặn trong mực nước ngầm.
Thứ tư, để tránh thiệt hại trên diện rộng, việc KTNN cần phải được giảm xuống mức bền vững, trong đó việc khai thác quá mức sẽ được giới hạn ở mức chấp nhận được và các nguồn nước ngầm phải bảo đảm cho các thế hệ tương lai.
Mỗi ngày khai thác hơn 2,5 triệu m3 nước ngầm
Thông tin từ dự án cho thấy, tốc độ sụt lún cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối, kết hợp với địa hình cao trình thấp của đồng bằng, càng làm ĐBSCL dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Hai tác nhân chính được xác định gây ra sụt lún ở quy mô lớn, ở cấp khu vực là quá trình nén tự nhiên và KTNN. Về sự nén tự nhiên, tốc độ nén cao nhất là dọc theo bờ biển, cách duy nhất để bù đắp cho sự mất mát về độ cao này sự bồi đắp phù sa mới. Còn việc KTNN gia tăng dẫn đến giảm áp lực nước lỗ rỗng, quá trình này dẫn đến tăng tốc độ lún lên đến vài cm/năm.
Ở quy mô địa phương, tải trọng của cơ sở hạ tầng và các tòa nhà là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún ở ĐBSCL, đặc biệt tại các thành phố. Tỷ lệ KTNN có xu hướng lớn hơn ở các khu vực xây dựng và nước mặt đang được tiêu thoát. Điều này có thể giải thích cho các điểm nóng về sụt lún tại TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh thành khác ở ĐBSCL.
ĐBSCL đã có những thay đổi lớn kể từ khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986. Mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mekong, việc KTNN vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu m3/ngày.
Sự gia tăng khai thác này chủ yếu là do giảm chất lượng nước mặt do thâm canh nông nghiệp, tăng cường sử dụng hóa chất và giảm khả năng tự làm sạch của các kênh, do các công trình cản trở, làm yếu dòng chảy...
Tại ĐBSCL, 40% tổng lượng nước ngầm được khai thác để sử dụng cho canh tác nông nghiệp. Ảnh: CK |
Khó khăn trong thực thi Nghị định 167/2018/NĐ-CP
Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các tầng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của Việt Nam.
Đây là một công cụ chính sách để quản lý nước dưới đất nhằm kiểm soát việc khai thác và hạn chế các vấn đề liên quan như xâm nhập mặn và sụt lún đất. Điều này được thực hiện bằng cách khoanh định và công bố các vùng hạn chế kèm theo những quy định về hạn chế khai thác...
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, quá trình làm việc với các địa phương ĐBSCL cho thấy, việc thực hiện Nghị định 167 gặp rất nhiều vấn đề, các địa phương đều cho biết không dễ dàng. Nguyên nhân do thiếu dữ liệu, hiện dữ liệu sụt lún và KTNN chỉ có ở cấp vùng, còn ở tỉnh không có, muốn lập bản đồ cũng khó.
Đối với việc phân vùng, không phải khai thác chỗ nào thì sụt lún chỗ đó, không có dữ liệu về mối tương quan này, chỉ biết là KTNN gây sụt lún. Thiếu mạng lưới quan trắc và cơ chế giám sát, quản lý (nhiều giếng khoan không đăng ký…). Phân chia vùng nước ngầm không thể theo ranh giới tỉnh vì dễ xảy ra khiếu nại (tỉnh này không khai thác nhưng tỉnh kia khai thác cũng bị ảnh hưởng…).
“Trong khi đó, việc sử dụng nước mặt tốn kém hơn rất nhiều (do phải xử lý làm sạch) khiến địa phương khó thu hút đầu tư. Không sử dụng nước ngầm thì không kêu gọi đầu tư được, sử dụng nước ngầm thì con tàu ĐBSCL sẽ chìm, giờ tính sao đây, tiến thoái lưỡng nan” – ông Thiện nói, đồng thời kiến nghị cần có quy hoạch chung tổng thể về nước ngầm cho vùng ĐBSCL, các tỉnh cần có hợp tác liên kết, có cơ chế chia sẻ thông tin; Nghị định 167 cần lồng ghép với các chính sách khác và bổ sung chế tài xử lý vi phạm…
Dữ liệu của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) về KTNN chia người dùng thành 3 nhóm theo mục đích sử dụng: cho sinh hoạt, cho canh tác nông nghiệp và sản xuất công nghiệp.
Trung bình toàn khu vực ĐBSCL, 40% tổng lượng nước được khai thác sử dụng cho sinh hoạt, 40% cho canh tác nông nghiệp và 20% cho sản xuất công nghiệp. Sự khác biệt của các ngành có thể rất khác nhau giữa các tỉnh.