Chặt bỏ lợi ích

Chặt bỏ lợi ích
TP - Việc lãnh đạo Bộ Công Thương ký quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính ngành công thương trong nhiều lĩnh vực nóng như phân bón, kinh doanh gas, hóa chất, năng lượng... ở góc độ nào đó cho thấy sự quyết tâm rất lớn trong việc “dọn dẹp” những rào cản chính sách mà các lãnh đạo trước đó của bộ này đã bày ra.

Cũng phải thừa nhận phải hết sức dũng cảm mới có thể tự “chặt”, tự tước bỏ "quyền của mình". Thực tế, tại nhiều cuộc họp gần đây, khi đề cập đến việc bỏ những thủ tục hành dân, không hiếm trường hợp lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công Thương nại nhiều lý lẽ, tìm cách diễn giải để duy trì một số loại giấy tờ, thủ tục mà thực tế hầu hết các loại giấy tờ này đều không cần thiết.

Như  tại cuộc họp mới đây với Tổng cục Năng lượng xung quanh việc bỏ quy định về dán nhãn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã “trăn trở nhiều lần khi cho rằng tại sao Tổng cục Năng lượng không tạo điều kiện, mà việc này hoàn toàn có thể làm được, để giúp doanh nghiệp có thể đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đỡ tốn kém. Ông bộ trưởng đặt câu hỏi, vì sao cơ quan quản lý không đặt góc độ người tiêu dùng? Tại sao lại đè ra kiểm tra lần nữa trong khi 6 tháng trước đó sản phẩm nhập khẩu đã được dán nhãn của Tổng cục Năng lượng?

Không “phát bực” sao được khi người đứng đầu ngành công thương được cấp dưới báo cáo mỗi năm có hơn 4.000 quyết định của Tổng cục Năng lượng, trung bình một ngày có 5 quyết định, liên quan đến dán nhãn năng lượng được thực hiện. Thủ tục càng nhiều, đặc quyền càng lớn thì việc “có thể được hưởng lợi” hoàn toàn có thể xảy ra nếu như các quyết định được duy trì.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến giữa những người muốn bãi bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp với  những người muốn duy trì đặc quyền được cấp phép, dán nhãn thủ tục cho hàng hóa, sản phẩm  của doanh nghiệp luôn cam go. Thậm chí sẽ căng thẳng hơn nhiều khi người muốn từ bỏ các đặc quyền thẳng tay loại bỏ các quy định đã tồn tại rất lâu, thậm chí lâu đến mức thành một “thói quen” có thể giúp nhận được những “đồng tiền dưới gầm bàn” nếu như doanh nghiệp muốn giải quyết công việc nhanh chóng.

Lịch sử kinh tế thế giới cũng đã cho thấy, một Chính phủ kiến tạo, liêm chính nhất thiết phải là một Chính phủ với những quy định, giải pháp hướng về, thậm chí phải đặt mình vào tâm thế của doanh nghiệp khi ra các quyết sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Chỉ khi mọi thứ vào chu trình vận hành theo quy luật tất yếu của hoạt động kinh tế, không có những hình thức vòi vĩnh, tham nhũng vặt từ những cán bộ công chức cổ cồn, doanh nghiệp mới thoát cảnh “trên đe dưới búa” để yên tâm làm giàu, đóng góp cho đất nước.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.