Còn đó, nỗi sợ trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giải ngân đầu tư công chậm, rất chậm! Điệp khúc ấy lại tiếp tục được vang lên tại nhiều diễn đàn của bộ ngành, địa phương thời gian gần đây. Tại Hội nghị của Đảng bộ TPHCM cách đây vài hôm, câu chuyện giải ngân đầu tư công tiếp tục gây bức xúc trong tình cảnh tỉ lệ giải ngân đang quá thấp so với yêu cầu.

Đến thời điểm hiện tại, TPHCM mới chỉ giải ngân 3,1% trong tổng số 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao trong năm 2024. Ước tính, đến ngày cuối cùng của tháng 3 này, nếu cố gắng “làm ngày làm đêm”, tỉ lệ giải ngân cũng chỉ nâng lên mức 7,1%, trong khi chỉ tiêu 10%. Như vậy, ba quý còn lại, TPHCM phải giải ngân 73.000 tỷ đồng. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Nhiều địa phương, bộ ngành khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Việc ì ạch chậm trễ trong triển khai dự án và giải ngân đầu tư công đã diễn ra trong nhiều năm trước đó. Từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương không ngừng yêu cầu các đơn vị liên quan phải vào việc một cách quyết liệt ngay từ đầu năm. Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân đầu tư công đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.

Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện nhằm thúc đẩy tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Công điện cho biết, đến hết tháng 2 năm 2024, số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khoảng 33 nghìn tỷ đồng của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương. Trong cùng thời gian trên, có 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước; trong đó 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024, tức tỷ lệ giải ngân bằng 0.

Không khó để nhận ra việc chậm trễ triển khai các dự án đầu tư công đã và sẽ tác động tiêu cực thế nào đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hay của mỗi địa phương nơi có dự án. Các nguyên gây chậm trễ cũng được nhận diện một cách rất rõ ràng, song đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Một trong những lý do thường được các đơn vị, cá nhân hữu trách vin vào để đổ lỗi khi có sự chậm trễ là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Điều đó không sai, nhưng cũng không đúng. Vì rằng, nói cho cùng, cơ chế là do con người tạo ra, vì thế hoàn toàn có thể thay đổi cơ chế, thậm chí thay người để tạo ra cơ chế mới. Phải hành động và hành động một cách quyết liệt mới tạo ra cơ chế mới, để từ đó thúc đẩy phát triển.

Lãnh đạo TPHCM cũng như nhiều nơi khác vẫn thường “đe” sẽ xử lý những cá nhân, tổ chức gây chậm tiến độ dự án và giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm, dù tình trạng chậm trễ, trì trệ vẫn luôn diễn ra từ năm này qua năm khác. Lâu dần, những lời răn đe đó đã bị giảm đi sức nặng và sự linh nghiệm.

Cần nhận rõ nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, từ đó chỉ mặt đặt tên, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị mới mong chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Và, từng cá nhân trong bộ máy phải vượt qua nỗi sợ trách nhiệm mới mong có sự thay đổi và tiến bộ.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.