Phó Thủ tướng: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh trong tham mưu xây dựng thể chế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ cho biết, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi; xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Báo cáo tóm tắt việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, có 37 văn bản được ban hành, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành.

Phó Thủ tướng: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh trong tham mưu xây dựng thể chế ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021 theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định đối với 446 văn bản.

Theo ông Khái, thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có tám bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản. Nhiều văn bản là nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, một số trường hợp, khoảng thời gian từ lúc luật, nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không đảm bảo thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết. "Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi", ông Khái nói.

Phó Thủ tướng: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh trong tham mưu xây dựng thể chế ảnh 2
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Cùng với đó, việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tại một số cơ quan chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định; lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

“Tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật”, ông Lê Minh Khái cho hay.

Về nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 83 văn bản quy định chi tiết; khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhằm kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Giải pháp được Chính phủ đề ra là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

“Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định...”, ông Khái nhấn mạnh.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ và các bộ tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Chính phủ đề xuất bổ sung 11 nhiệm vụ lập pháp mới, gồm 7 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

4 nhiệm vụ cần nghiên cứu, đề xuất ban hành luật, nghị quyết mới, gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố; Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

MỚI - NÓNG