Gặp Anh hùng Điện Biên cuối cùng ở Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Chu Văn Mùi là Anh hùng Điện Biên cuối cùng ở tỉnh Bắc Giang còn sống. Dù tuổi đã cao, nhưng ký ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Giữ “mạch máu” thông tin

Chiều muộn, ông Chu Văn Mùi ngồi uống trà trên chiếc ghế gỗ trong góc nhà ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, thị xã Việt Yên (Bắc Giang). Ông húng hắng ho. Người con trai cả sống cùng ông bảo, ông Mùi vừa đi bệnh viện về được mấy hôm. Năm nay, ông Mùi bước sang tuổi 95, tóc đã bạc trắng, giọng nói vẫn còn trong.

Nhâm nhi chén trà, ông Chu Văn Mùi hồi tưởng lại thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể, năm 1949, ông nhập ngũ, thuộc biên chế vào Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Đây là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông có khả năng ngắm bắn tốt nên được đưa vào đại đội cối 120 ly. Ngày 30/3/1954, quân ta tổ chức mở đợt tấn công giai đoạn 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông Chu Văn Mùi được lệnh tiếp nhận chiến đấu trên cao điểm A1 từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong đêm ngày 31/3. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch liên tiếp tăng viện nhiều xe tăng, lính dù, lính Lê Dương tiến hành nhiều cuộc phản công hòng chiếm lại các vị trí mà ta chiếm được trước đó. Đơn vị của ông Mùi mất liên lạc với đại đoàn.

Lúc này, ông Chu Văn Mùi cùng với tổ đội của mình được lệnh nối lại đường dây liên lạc tại A1. Sự có mặt của điện thanh rất quan trọng, không có liên lạc không thể thắng được, phải có sự hướng dẫn pháo ta mới hiệu chỉnh được mục tiêu, tiêu diệt địch, hỗ trợ quan trọng cho bộ binh, giảm thiểu thương vong. Ông Mùi đã sử dụng cách nói ám hiệu để pháo ta nhả đạn vào mục tiêu địch. Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, ông Mùi đã nối thông đường liên lạc, góp phần ngăn chặn được nhiều đợt phản kích của địch.

Trong câu chuyện, ông Mùi nhắc đến tình huống chiến đấu nguy cấp, đó là do phải liên lạc nhiều, chiếc máy điện thanh gần hết pin khiến thông tin không được chuẩn xác. Ông Mùi đã liều mình ra khỏi hầm kéo dù hàng của địch được thả từ trên máy bay xuống. May mắn khi thu được dù trong đó có hộp pin có thể dùng được cho máy điện thanh của ta, sóng điện mạnh hơn hẳn, các đơn vị phía sau nghe rõ tín hiệu máy từ cao điểm A1. “Nhưng cũng chính chi tiết này khiến chỉ huy nghi ngờ, vì sóng mạnh như vậy có thể từ đài địch chứ không thể từ phía ta. Sau nhiều lần kiểm tra bằng những ký hiệu, mật mã, thông tin nghiệp vụ chuyên môn, chỉ huy mới tin tưởng”, ông Mùi chia sẻ.

Gặp Anh hùng Điện Biên cuối cùng ở Bắc Giang ảnh 1

Anh hùng Chu Văn Mùi kể lại những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Thắng

Nhờ chiếc máy điện thanh mà ông Mùi mang đến, đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn được nối lại trên đồi A1. Sau đó, khi biết được tinh thần chiến đấu dũng cảm của ông Chu Văn Mùi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định công nhận Đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng cho ông Mùi và tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhất. Ngày 31/8/1955, ông Mùi được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau một đêm nghỉ hưu được bầu làm Chủ nhiệm HTX

Năm 1972, ông Chu Văn Mùi được cử đi học, rồi về làm cán bộ phụ trách Tiểu đoàn Thông tin 18, đi các chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, chiến dịch Đông Hà (Quảng Trị). Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 140. Khi đất nước thống nhất, ông đảm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường văn hóa Quân đoàn I cho đến khi nghỉ hưu. Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1986, Anh hùng Chu Văn Mùi về hưu, trở về quê hương nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sơn Hà.

Chuyện ông Mùi làm Chủ nhiệm HTX Sơn Hà cũng đầy bất ngờ. Ông Mùi nhớ lại, ngày ông về hưu, buổi chiều ông về với gia đình ở quê nhà, đến sáng hôm sau, ông được mời đi dự hội nghị xã viên của HTX Sơn Hà. Tại hội nghị, ông bất ngờ được giới thiệu và bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Hà. “Chỉ sau một đêm về nghỉ hưu ở quê nhà, tôi được bà con bầu làm chủ nhiệm HTX và bước vào mặt trận mới, cùng người dân trong thôn vượt qua khó khăn về kinh tế”, ông Mùi chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang có 4 Anh hùng Điện Biên, đến nay chỉ còn Anh hùng Chu Văn Mùi còn sống. Sau khi nghỉ quân ngũ về quê nhà, trải qua nhiều vị trí công tác, ông Mùi đưa thôn Hà Thượng trở thành đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương.

Ông Mùi trầm ngâm, rồi bảo, lúc ông nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm HTX Sơn Hà khó khăn bộn bề. Thời điểm đó, HTX không điện, không điểm trường học mầm non, không có trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đường giao thông nhỏ bé, bởi vậy, đời sống của xã viên còn thiếu thốn. Ở vị trí Chủ nhiệm HTX Sơn Hà, ông Mùi trăn trở tìm cách đưa điện về làng, làm đường rộng hơn, xây dựng trường học và trạm bơm nước để cuộc sống người dân tốt hơn.

Trước hết, ông vận động bà con đổi đất ruộng để mở rộng đường giao thông vào thôn. Nhờ vậy, ô tô tải có thể vào tận thôn giúp tiêu thụ nông sản và phát triển kinh tế. Ông cùng bà con góp công, góp sức và tiền của để xây dựng 2 lớp học mầm non trong thôn bằng gạch, lớp mái ngói giúp con em có chỗ học hành tử tế. Rồi ông đi xe đạp lên làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang để kéo điện về làng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.