Sai phạm cụ thể xử lý rất nghiêm, nhưng trách nhiệm ban hành văn bản sai chưa được xem xét kỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Sai phạm cụ thể về việc gì đó, chúng ta xử lý rất nghiêm, rất kịp thời, rất nặng. Nhưng đôi khi ban hành văn bản sai gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ra ách tắc các vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Sai phạm cụ thể xử lý rất nghiêm, nhưng trách nhiệm ban hành văn bản sai chưa được xem xét kỹ ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh Duy Linh

Lựa chọn 4 chuyên đề giám sát

Sáng 10/4, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong tháng 4 này có hai phiên họp, ngay sau phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Phiên thứ 22 dự kiến sẽ được tổ chức trong 2 ngày, trong đó sẽ cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5. Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác lập pháp khoá này được làm có tính chất hệ thống, bài bản, đến nay trong kế hoạch có 137 nhiệm vụ phải rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, đến nay đã xong được 111 nhiệm vụ, 24 nhiệm vụ lập pháp đã được xây dựng và nhiều nhiệm vụ sẽ được nghiên cứu, rà soát, đề xuất trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến các chương trình này, trong đó, dự kiến sẽ có cả dự án luật theo sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội. Tại nhiệm kỳ trước, cũng có đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng luật, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa thành, hi vọng nhiệm kỳ này sẽ có dự án của đại biểu được xem xét.

Bên cạnh đó, còn một số dự án luật khoá trước chưa được xem xét, thông qua, lần này sẽ nghiên cứu, xem có đưa vào chương trình không. Nội dung này cũng sẽ được bàn trong phiên họp chuyên đề pháp luật.

Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là chủ đề quan trọng và là chương trình giám sát tối cao, phải được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

Cũng liên quan đến nội dung này, phiên họp sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Lựa chọn chương trình giám sát tối cao được thực hiện theo quy trình lựa chọn trên cơ sở đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội và của cử tri.

Qua đó, sẽ đưa ra nhiều chuyên đề khác nhau, sau đó Tổng Thư ký sẽ lựa chọn 7 chuyên đề theo thứ tự ưu tiên, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn 5 để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

“Tuần tự lựa chọn lĩnh vực giám sát được hiện thực hiện bài bản, đúng quy định, tìm ra xem cái gì là trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, qua đó thúc đẩy tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc. Công tác lập pháp để kiến tạo phát triển và công tác giám sát cũng là để kiến tạo phát triển”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ sẽ tổng kết đánh giá kết quả Kỳ họp bất thường lần 4 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 – Kỳ họp rất quan trọng, rơi vào tầm giữa nhiệm kỳ Quốc hội, công tác lập pháp rất nặng.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết, bao gồm cả nghị quyết chung kỳ họp. Ngoài ra, Quốc hội còn cho ý kiến về 9 dự án luật khác, trong đó có luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, dự án Luật Đất đai sửa đổi, được thảo luận lần thứ 2 sau khi tiếp thu hoàn thiện, nhất là qua việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân vừa qua.

Sai phạm cụ thể xử lý rất nghiêm, nhưng trách nhiệm ban hành văn bản sai chưa được xem xét kỹ ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh Duy Linh

Không đảm bảo, "phút bù giờ" vẫn bỏ ra

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tiến độ chuẩn bị, gửi hồ sơ. Có một số dự án luật được dự kiến xem xét, nhưng chưa có hồ sơ, rất khó khăn cho công tác thẩm tra, cho ý kiến. Ông Vương Đình Huệ đề nghị cho ý kiến, xem công tác phối hợp thế nào, nếu gấp quá không đảm bảo thì chất lượng sẽ bị hạn chế. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu không đảm bảo chất lượng, quy trình, đến “phút bù giờ” dù tiếc nhưng vẫn phải bỏ lại.

Lãnh đạo Quốc hội cho biết, theo dự kiến, thời gian kỳ họp thứ 5 tới khá dài, sau khi tiếp xúc cử tri, hội nghị ở trung ương sẽ đến kỳ họp Quốc hội. Thời gian rất cận kề, kỳ họp dự kiến lại kéo dài với nhiều nội dung, nên Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể giãn ra 1 tuần giữa kỳ họp để các cơ quan tiếp thu, đại biểu địa phương giải quyết công việc của địa phương.

Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ sẽ xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

"Đây là nội dung rất quan trọng. Sai phạm cụ thể về việc gì đó, chúng ta xử lý rất nghiêm, rất kịp thời, rất nặng. Nhưng đôi khi ban hành văn bản sai gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ra ách tắc các vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân", ông Vương Đình Huệ nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trước đây có chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật, giám sát chung của VKS, công tác này được thực hiện thường xuyên. Bây giờ chủ yếu là công tác rà soát văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp. Từ phía Quốc hội, từ trước đến giờ chưa có văn bản hướng dẫn. Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết là bộ cẩm nang.

"Lần này sẽ có tổng hợp của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội. Chúng tôi cũng đề nghị sử dụng kết quả rà soát của các cơ quan có liên quan MTTQ, các tổ chức liên quan hữu quan, Tòa, Viện, Bộ Tư pháp, để dần dần đưa vào nề nếp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trên tinh thần thượng tôn pháp luật", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

MỚI - NÓNG