Năng lực ra đề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ năm 2025, đề thi trong kì thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm khác biệt để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dư luận rất trông chờ điều này.

Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, môn Ngữ văn vẫn là môn duy nhất trong kì thi tốt nghiệp THPT thi theo hình thức tự luận. Các môn học còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Bộ này cũng khẳng định cấu trúc định dạng, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính kế thừa khi các môn vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, đề thi phát triển thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh. Định dạng đề thi các môn trắc nghiệm chia thành 3 phần. Phần 1 và phần 2 có định dạng giữ nguyên như đề thi trắc nghiệm hiện nay, gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn và câu trả lời đúng/sai. Điểm khác biệt nằm ở phần 3 khi các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Với dạng này, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài của thí sinh gần như bài tự luận. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, với cấu trúc định dạng như vậy, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm (với môn Toán) và còn 2,35 điểm (với các môn thi trắc nghiệm còn lại).

Năng lực ra đề ảnh 1

Từ năm 2025, đề thi trong kì thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm khác biệt.

Ở Việt Nam, thi trắc nghiệm có từ năm 2008 với 4 môn là Lý, Hóa, Sinh và Ngoại ngữ trong kì thi tốt nghiệp THPT. Khi đó vẫn còn kì thi 3 chung để xét tuyển đại học, cao đẳng và Bộ không tổ chức thi trắc nghiệm tại kì thi này. Đến năm 2015 khi 2 kì thi nhập lại thành 1 kì thi THPT quốc gia (nay là kì thi tốt nghiệp THPT) với 2 mục đích, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu triển khai sâu, rộng hình thức thi trắc nghiệm với tất cả các môn học, trừ môn Ngữ văn. Sở dĩ kì thi 3 chung để xét tuyển đại học trước năm 2015 không lựa chọn thi trắc nghiệm vì lo ngại khả năng “đánh lụi” lên đến 2,5 điểm, dẫn đến việc khó xác định được năng lực thật của thí sinh. Từ kì thi 2 trong 1 (kì thi THPT quốc gia) khi các trường ĐH đã có nhiều phương án tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kì thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, việc tổ chức thi trắc nghiệm các môn được triển khai triệt để.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cho hay đề thi sẽ tăng tính ứng dụng thực tế. Có nghĩa là giảm tình trạng học thuộc, học vẹt và đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh tại mỗi môn học.

Với những thông tin về đổi mới được Bộ GD&ĐT chia sẻ, dư luận hi vọng việc thi cử của Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, từ đó tác động đến việc dạy và học.

Đề thi đổi mới, không chỉ bắt buộc học trò phải thay đổi cách học mà quan trọng nhất là giáo viên phải thay đổi cách dạy. Trên bục giảng, giáo viên không còn là những người truyền thụ kiến thức mà là những người dẫn dắt để học trò từng bước khám phá ra năng lực của bản thân, định hình nghề nghiệp trong tương lai.

Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn. Làm thế nào để không còn tình trạng tranh luận về đề? Làm thế nào để phân hóa được học sinh, tránh tình trạng năm thì khó quá, năm thì mưa điểm 10 như vừa qua? Điều này rất cần năng lực của đội ngũ ra đề thi. Muốn vậy cần cái tâm, cái tầm của nhà quản lí.

MỚI - NÓNG