Trong hẻm có nhiều gia đình nuôi chó, nhất là những “nhà vườn”, nhưng phần lớn thả rông. Đêm đêm chúng lục tung các thùng rác để tìm thức ăn, cắn xé các bao đựng rác làm cho rác vung vãi đầy đường, đồng thời phóng uế khắp nơi khiến không khí nặng mùi.
Có những nhà nuôi chó dữ và đã để chúng tấn công người. Cách đây chưa lâu, tận mắt tôi chứng kiến một cậu bé ở cạnh nhà mình trên đường đi học về bị chó của một gia đình hàng xóm lao ra cắn. Hàm răng sắc nhọn của chúng cắm phập vào bắp chân, máu chảy ròng ròng khiến cậu bé tột cùng khiếp sợ. Mẹ cậu bé đã phải tức tốc đưa con đi tiêm phòng trong sự hoang mang lo lắng.
Chuyện chó thả rông gây mất an toàn và vệ sinh diễn ra từ rất lâu, gây bức xúc cho mọi người. Cuộc họp nào người dân cũng đề cập vấn đề này và đề nghị chính quyền có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, thay vì ra tay, các nhà chức trách địa phương lại yêu cầu người dân “bắt quả tang chó phóng uế” để làm bằng chứng xử lý. Đó là cách đánh đố, vì thế suốt những năm qua và đến giờ vẫn vậy, đàn chó vẫn cứ nhởn nhơ, tác oai tác quái mà không ai làm gì được.
Không chỉ ảnh hưởng môi trường sống, tình nghĩa láng giềng sứt mẻ, chó và mèo thả rông còn khiến nguy cơ bệnh dại gia tăng, uy hiếp tính mạng người dân. Mới đây, ngành y tế TPHCM cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng thành phố có khoảng 9.500 người đi tiêm phòng dại do bị vật nuôi là chó và mèo cắn. Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chỉ trong 2 tháng đã tiếp nhận, điều trị 7 trường hợp phát bệnh dại và tất cả đều tử vong vì bệnh này.
Vốn đã quá chật chội, nhiều áp lực do quá trình phát triển, gia tăng dân số nhanh chóng và quá mức gây ra, không gian đô thị ở TPHCM càng trở nên ngột ngạt, nguy hiểm khi người dân phải chung sống không an toàn với đàn vật nuôi cũng đang gia tăng quá mức. Trong khi đó, ý thức của nhiều chủ nuôi vẫn còn rất nhiều hạn chế. Có nơi, tại quận 4, trong một căn nhà chưa đầy 30m2 nhưng có đến gần 100 con chó nuôi khiến cả xóm bấn loạn, phải cầu cứu khắp nơi.
Mặc dù quy định của pháp luật đã có, song chính quyền thành phố vẫn bất lực trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vật nuôi gây hại đến môi trường sống và uy hiếp tính mạng người dân. Một số nơi từng ra tay xử lý, truy bắt chó mèo thả rông, nhưng cũng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ và làm chiếu lệ, thiếu sự quyết liệt và thường xuyên nên sau những đợt ra quân rầm rộ, đâu lại vào đấy. Quản lý vật nuôi không đơn thuần là đi đuổi bắt từng con, mà phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường sống, nhưng không ít nhà quản lý vẫn còn ngộ nhận điều đó nên mãi loay hoay.
Một đô thị, dù văn minh, hiện đại đến mấy cũng sẽ không có môi trường sống an toàn nếu buông lỏng hay bất lực trong việc quản lý vật nuôi. Việc quản lý và xử lý tình trạng chó mèo gây hại, tuy chỉ là một khía cạnh rất nhỏ nhưng phản ánh khá rõ nét năng lực của chính quyền. Năng lực thế nào, tình trạng chó mèo thế ấy.