Ông Lý Thanh Tâm (SN 1980) đang nuôi một con chó 4 tuổi trong khu dân cư trên đường Hoàng Diệu (quận 4). Chú cún nhà ông quanh quẩn trong nhà không ra đường, chưa từng làm hàng xóm phiền hà.
Khi nghe đề xuất quản lý chó mèo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM về quản lý chó mèo, ông Tâm thắc mắc không biết đề xuất này đưa vào áp dụng, cơ quan chức năng sẽ quản lý thế nào, có xáo trộn gì trong việc nuôi chó của ông suốt mấy năm qua không.
"Mỗi hộ đều có cách nuôi chó mèo khác nhau. Có người chỉ nuôi 1-2 con để bầu bạn, giữ vệ sinh sạch sẽ. Có người nuôi mấy chục con gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn. Tôi chưa biết nếu đề xuất được áp dụng, người nuôi thú cưng gây ô nhiễm có bị xử phạt không?", ông Tâm thắc mắc.
Tăng trách nhiệm người nuôi chó, mèo
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Thiết cho biết, các quy định về nuôi chó, mèo, thú cảnh đã được nhắc đến trong Luật Thú y, Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn mang tính chung chung, các cơ quan khó có cơ sở để xử lý khi nhận đơn thư phản ánh của người dân về vấn đề này.
Do đó, Sở NN&PTNT đã xin chủ trương của thành phố để ban hành quy định tạm thời trong khi chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư hướng dẫn các luật.
Đàn chó hơn 100 nuôi tại hộ dân 190 Hoàng Diệu, quận 4 gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khu dân cư (Ảnh: Đức Tuấn). |
"Trong dự thảo, chúng tôi đưa ra các nhóm chế tài, chế định về quy định mật độ nuôi, mức độ nuôi. Số lượng nuôi nhỏ là dưới 10 con chó, nuôi vừa là từ 10-50 con, nuôi lớn là từ 50 con chó trở lên. Từng mức độ sẽ gắn với trách nhiệm của chủ nuôi, quy định về chuồng trại", ông Thiết làm rõ.
Trong đó, hộ dân nuôi ở số lượng lớn cần đảm bảo các vấn đề về vệ sinh môi trường, thú y và người có chuyên môn để theo dõi, chăm sóc vật nuôi. Dự thảo cũng quy định khung giờ không được gây ồn bởi hoạt động nuôi chó, mèo, nếu để người dân địa phương khiếu nại, thú cưng phải di dời tới chỗ khác.
"Nhóm thú cảnh, thú nhập ngoại, có trọng lượng lớn sẽ hạn chế nuôi và được đưa vào nhóm thú dữ, ví dụ như giống Pitbull, các loại chó săn. Hộ nuôi các loại chó này cần có biển cảnh báo thú dữ để người dân nhận biết", lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM nhấn mạnh.
Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cũng chia sẻ, cơ quan này đã mạnh dạn tham mưu vấn đề trách nhiệm của chủ khi dắt chó đi dạo nơi công cộng. Ngoài việc xích, rọ mõm thì người nuôi chó, mèo phải dọn chất thải của chó, mèo, không được bỏ đi.
"Khi những nội dung này được thực hiện, việc xử lý chủ chó, mèo vi phạm có thể căn cứ trên hình ảnh camera tại nơi công cộng ghi lại", ông Thiết phân tích.
Về vấn đề khai báo vật nuôi, ông Nguyễn Hữu Thiết cho biết, năm 2023, Bộ NN&PTNT, đã ra thông tư 18, trong đó có các quy định về khai báo vật nuôi. Theo đó, các hộ nuôi chó, mèo cần khai báo 2 lần/năm với UBND phường, xã.
"Thực tế, các phường, xã cũng lúng túng trong công tác này. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh nâng cao ý thức tự giác khai báo của chủ vật nuôi trên địa bàn thời gian tới", ông Thiết bày tỏ.
Năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM từng thử nghiệm sổ tiêm phòng điện tử qua phần mềm cho các phòng khám thú y. Các cơ sở thú y được yêu cầu nhập thông tin về đặc điểm, lịch sử bệnh lý, lịch sử tiêm phòng, phối giống trên hệ thống này. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này chưa được như mong đợi.
Ông Lý Thanh Tâm (SN 1980, ngụ quận 4) cho biết người nuôi chó phải có trách nhiệm quản lý con vật. Không nên đổ lỗi con vật sống theo bản năng mà trốn tránh trách nhiệm khi ảnh hưởng người khác (Ảnh: An Huy). |
Ngoài vấn đề các cơ sở muốn giữ chân khách hàng, ông Nguyễn Hữu Thiết cho biết, địa phương đang áp dụng nhiều phần mềm để quản lý vật nuôi, thú y. Dữ liệu của các phần mềm này vẫn chưa tương thích với nhau.
"Chi cục Thú y quản lý thông tin tiêm phòng dại bằng một phần mềm, Cục Thú y cũng có phần mềm khai báo dịch tễ của động vật. Dữ liệu của sổ tiêm phòng điện tử và 2 phần mềm trên còn chưa tương thích với nhau khi đưa số liệu qua lại", Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho hay.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM thông tin thêm, trước mắt, tờ trình đã được gửi tới UBND thành phố để xin chủ trương. Thành phố đã giao Sở Tư pháp thẩm định nội dung. Kế đến, đơn vị sẽ tổ chức lấy ý kiến phản biện từ chuyên gia, các địa phương và người dân để hoàn thiện tờ trình chính thức.
Tuyên truyền trước khi xử phạt
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số phường ở TPHCM cũng đang tổ chức tuyên truyền người dân nuôi chó mèo phải đăng ký trong thời gian tới để kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Xuân Túy, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cho biết, trước tình trạng thả rông thú cưng gây nguy hiểm cho người dân, khách du lịch, vừa qua chính quyền địa phương cũng thành lập Tổ bắt giữ chó, mèo thả rông trên địa bàn.
Tổ này có nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở đến 7 khu phố và 96 tổ dân phố việc nguy hiểm chết người của bệnh dại, trước khi lực lượng ra quân xử lý.
UBND phường Phạm Ngũ Lão đề nghị các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải đăng ký nuôi chó, mèo với phường. Trong quá trình nuôi người dân phải xích, nhốt chó mèo trong khuôn viên gia đình để đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Khi dẫn chó, mèo ra đường hoặc nơi công cộng, người chủ phải đeo rọ mõm và có dây xích dắt; chấp hành tiêm phòng bệnh dại cho thú cưng theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp chó, mèo thả rông bị cơ quan chức năng bắt giữ, kể cả chi phí nuôi dưỡng, tiêu hủy chó mèo.
"Trường hợp chó, mèo cắn hoặc cào người, chủ con vật phải bồi thường vật chất cho bị hại theo quy định của pháp luật", lãnh đạo phường nói.
Một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM đang bắt một con chó chạy rông trên địa bàn quận 7 (Ảnh: An Huy). |
Theo ông Túy, thời gian vừa qua cũng có một số trường hợp người dân kiến nghị lên phường việc hàng xóm nuôi chó phóng uế bừa bãi mất vệ sinh, chạy rông không rọ mõm. Lãnh đạo phường đã xuống lập biên bản, nhắc nhở họ chấp hành quy định. Có hộ nuôi 20 con chó gây ồn ào khu dân cư, phường vận động họ gửi về quê hoặc cho bớt.
"Tổ bắt chó, mèo chạy rông của phường đang mỏng, chúng tôi đang phát thông báo tuyển thêm nhân sự để nhờ bên thú y tập huấn. Không có nghiệp vụ, bắt những con vật này cũng rất khó và nguy hiểm. Chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện tổ công tác. Trong thời gian tới, nếu hộ dân nào vi phạm trong việc nuôi thú cưng sẽ bị xử lý nghiêm", ông Túy nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một UBND phường ở quận Phú Nhuận cũng cho biết, đề xuất quản lý chó, mèo trong khu dân cư rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Có hồ sơ quản lý, nếu xảy ra vụ việc gì, chính quyền địa phương có thể biết người chủ để truy cứu trách nhiệm.
Bây giờ người dân nuôi chó mèo tràn lan, không được quản lý, tiêm phòng bệnh dại thật sự rất nguy hiểm. "Khi có danh sách rồi, người nào nuôi thú cưng không tiêm chủng sẽ bị xử phạt. Con vật được tiêm chủng sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh dại, lây lan trong cộng đồng" vị này nói.
Theo lãnh đạo phường, hiện thành phố có chủ trương yêu cầu các phường, xã thành lập tổ bắt chó, mèo chạy rông. Để thành lập được tổ này, duy trì hoạt động phải tốn nhiều công sức. Bắt được chó phải tìm chỗ giữ, chăm sóc trong khi chờ chủ lên nhận, đóng phạt.
Quá thời gian tạm giữ, chủ không đến nhận thú cưng phải xử lý thế nào, thêm cả một quá trình nữa. Phường đang cắt giảm nhân sự, tập trung công tác phát triển kinh tế - xã hội, thiếu nhân lực đảm nhận bắt chó, mèo chạy rông.
"Thỉnh thoảng chúng tôi nhận phản ánh chó gây tiếng ồn trong khu dân cư, đơn vị cũng xuống nhắc nhở. Tuy nhiên, việc chó sủa là bản năng, làm sao ngăn chặn được, luật không cấm dân nuôi thú cưng. Đây là vấn đề cũng khá nan giải", lãnh đạo phường nói.
Theo Khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn.
Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Như vậy, với cá nhân vi phạm các hành vi trên sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, tổ chức sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.