27 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, cảnh giác ngay khi chó, mèo có dấu hiệu này

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại. Một số người khi bị chó nhà cắn chủ quan không tiêm phòng, khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì đã không còn kịp cứu chữa.

Bệnh dại là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn hoặc vết trầy xước, thường là qua tuyến nước bọt. Hầu như tất cả bệnh nhân khi đã khởi phát bệnh đều tử vong. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Tuy nhiên, bệnh dại có thể gặp ở cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

27 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, cảnh giác ngay khi chó, mèo có dấu hiệu này ảnh 1

Hầu như tất cả bệnh nhân khi đã khởi phát bệnh đều tử vong.

Dù nguy hiểm song bệnh dại có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và vật nuôi (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Khi các con vật bị dại thường sẽ có các biểu hiện bất thường như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, tăng tiết đàm nhớt, dễ kích thích, dễ tấn công người. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh.

Virus dại hiện diện trong nước bọt của động vật bị dại nên chủ yếu lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương. Từ vết cắn, virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của nạn nhân.

27 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, cảnh giác ngay khi chó, mèo có dấu hiệu này ảnh 2

Khi các con vật bị dại thường sẽ có các biểu hiện bất thường như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, tăng tiết đàm nhớt, dễ kích thích, dễ tấn công người.

Theo bác sĩ Huỳnh Thảo Uyên, Khoa truyền nhiễm (BV Quân y 175) thì bệnh dại chia làm 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn ủ bệnh thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, 75% bệnh nhân phát bệnh trong vòng 90 ngày và 5% bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trên 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 2-10 ngày, biểu hiện như nhiễm siêu vi không đặc hiệu: sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ, chán ăn, mệt mỏi. Một số bệnh nhân có thể cảm giác ngứa đau tại vết cắn.

Giai đoạn toàn phát gồm hai thể bệnh: Thể hung dữ (80% trường hợp): Sợ nước là biểu hiện đặc trung của bệnh, thường xảy ra khi bệnh nhân thử uống nước, nghe tiếng nước chảy hay thấy ly nước. Ngoài ra bệnh nhân còn sợ gió, sợ ánh sáng, sốt cao, tăng tiết nước bọt, khó nuốt, kích động. Cơn co thắt hầu họng và cơ hô hấp có thể dẫn đến ngưng hô hấp, tuần hoàn. Thể liệt (20% trường hợp): Liệt tứ chi, liệt mặt, liệt cơ hô hấp gây tử vong.

Bệnh dại khi đã có triệu chứng thì chắc chắn tử vong. Do đó cần phải thực hiện đúng và kịp thời các biện pháp dự phòng trước và sau khi bị động vật nghi dại cắn.

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Cách ly theo dõi chó mèo và thông báo cho cán bộ thú y địa phương khi phát hiện chó mèo nghi nhiễm bệnh dại

- Tiêm vaccine phòng dại cho những người nguy cơ cao như cán bộ thú y, bảo tồn thú hoang, kiểm lâm; người làm nghề giết mổ chó, mèo.

- Khi có người nhà nghi bị dại, tuyệt đối không tiếp xúc với nước bọt hay có những hành động dễ gây cơn kích động người bị bệnh.

27 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, cảnh giác ngay khi chó, mèo có dấu hiệu này ảnh 3

Việc tiêm phòng diễn ra càng muộn thì càng không bảo vệ được cho cơ thể.

Khi bị chó mèo cắn, theo bác sĩ Uyên, cần xử lý vết thương như sau:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch để giảm tải lượng virus tại nơi xâm nhập. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone.

- Không băng kín vết thương, không nặn, bóp vết thương cho máu chảy ra hay làm dập thêm mô cơ thể.

- Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tiêm kèm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, bắc để chữa bệnh.

- Đối với súc vật nghi dại cắn người, nhốt theo dõi 10-28 ngày.

Phác đồ tiêm phòng dại gồm những bước sau:

- Tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm: đường tiêm bắp (liều dùng 0,5ml) hoặc đường tiêm trong da (liều dùng 0,1 ml) 3 mũi vào các ngày 0 -7- 21/28

- Tiêm vắc xin sau phơi nhiễm:

+ Với người đã tiêm dự phòng: đường tiêm bắp (liều dùng 0,5ml) hoặc đường tiêm trong da (liều dùng 0,1 ml): 2 mũi vào các ngày 0 -3

+ Với người chưa tiêm dự phòng: đường tiêm bắp (liều dùng 0,5ml) 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 hoặc đường tiêm trong da (liều dùng 0,1 ml x2 mũi tiêm tại 2 vị trí khác nhau): 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28

- Huyết thanh kháng dại:

Cần tiêm huyết thanh kháng dại trong trường hợp vết thương độ III theo khuyến cáo của WHO (vết cắn sâu, nhiều chỗ, ở đầu mặt cổ, cơ quan có nhiều tổ chức thần kinh) và chưa được tiêm phòng dại trước đó.

Phòng ngừa này ngay sau khi bị động vật nghi dại cắn là tốt nhất. Việc tiêm phòng diễn ra càng muộn thì càng không bảo vệ được cho cơ thể, nhất là khi virus dại đã xâm nhập đến hệ thần kinh trung ương.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.