THẾ GIỚI 24H: Xây tháp quan sát dọc biên giới, Ba Lan chọc tức Nga?

THẾ GIỚI 24H: Xây tháp quan sát dọc biên giới, Ba Lan chọc tức Nga?
TPO - Ba Lan sẽ xây tháp quan sát dọc theo biên giới đất liền với lãnh thổ tách biệt của Nga, Kaliningrad, động thái được cho là sẽ làm gia tăng căng mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và chiến lược của NATO muốn triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đến sát biên giới Nga.

"Chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm thiết bị kỹ thuật lắp đặt trên tháp", phát ngôn viên của biên phòng Ba Lan, Miroslawa Aleksandrowicz cho biết. "Chúng tôi dự kiến ​​sẽ hoạt động hết công suất vào tháng 6 năm nay", ông nói thêm. 6 tháp với độ cao lên đến 50 m sẽ truyền hình ảnh cho lực lượng biên phòng Ba Lan giám sát 200 km biên giới, hãng tin địa phương PAP cho biết. Tổng chi phí xây dựng được cho là khoảng 3,8 triệu USD, 75% số này đến từ quỹ của Liên minh châu Âu.

Ba Lan nằm ở sườn Đông của EU, trong khu vực vùng đệm mà cả Nga và châu Âu cùng tìm cách tăng cường ảnh hưởng. Hiện Ba Lan vừa là thành viên của EU, vừa là thành viên của NATO và là nơi liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang có ý định triển khai một phần hệ thống lá chắn tên lửa của mình. Vì vậy, động thái của Vacsava được cho là sẽ làm gia tăng căng mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và chiến lược của NATO muốn triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đến sát biên giới Nga.


Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/4 đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran có khả năng sẽ được áp đặt lại nếu Tehran vi phạm thỏa thuận khung đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi đầu tháng này. Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh NPR, ông Obama cho hay các nhà đàm phán Mỹ và châu Âu đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Iran, trong đó nêu rõ các biện pháp trừng phạt có thể được tái áp đặt mà không cần Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ông Obama nói: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng có thể thực hiện điều đó một lần nữa", ám chỉ các biện pháp trừng phạt quốc tế đang làm tê liệt nền kinh tế của Iran. Ông còn cảnh báo việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ được thực thi nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát hiện Tehran vi phạm thỏa thuận này.


Liên Hợp quốc ngày 7/4 cho biết, bạo lực ở Yemen trong hơn 2 tuần qua đã làm ít nhất 549 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương, trong đó có gần một nửa là dân thường. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 26/3 đến nay, ít nhất 74 em nhỏ đã thiệt mạng và 50 người bị thương nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc Christophe Boulierac cho biết, trẻ em ở Yemen đang phải đối mặt với điều kiện sống vô cùng tồi tệ như thiếu nước uống, thiếu cơ sở chăm sóc y tế và phải chịu nhiều áp lực từ các cuộc giao tranh.


Ngày 7/4, các nguồn tin ở tỉnh Hadramaut, miền Đông Yemen cho biết, những phần tử được cho là thành viên tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã tấn công một đồn biên phòng của Yemen ở khu vực biên giới giáp Saudi Arabia, khiến ít nhất hai binh sỹ thiệt mạng, trong đó có một sỹ quan biên phòng cấp cao.

Theo nguồn tin, các tay súng chiếm giữ đồn biên phòng trên ở gần huyện Manwakh, cách thủ đô Sanaa khoảng 440 km về phía Đông Bắc. Động thái này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Al-Qaeda tấn công thành phố cảng Mukalla, thủ phủ tỉnh Hadramaut bên Biển Arập. 


Ngày 7/4, cảnh sát Malaysia tuyên bố các nghi can cực đoan vừa bị bắt giữ đều trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và đã lập mưu tấn công Kuala Lumpur. Theo Reuters, ông Khalid Abu Baker, lãnh đạo cảnh sát quốc gia Malaysia, cho biết mục tiêu của 17 nghi can khủng bố bị bắt giữ hôm chủ nhật 5-4 là thành lập một thể chế Hồi giáo tương tự IS tại Malaysia.

Ông tiết lộ nhóm này đã lập mưu tấn công một số doanh trại quân đội và đồn cảnh sát. Mục tiêu của chúng là cướp vũ khí rồi tấn công “các địa điểm chiến lược” tại thủ đô Kuala Lumpur. Ngoài ra nhóm này còn có ý định cướp một ngân hàng và bắt cóc các con tin.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 7/4 cho biết, Mỹ đang bắt đầu giai đoạn mới của chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu tại Đại học Bang Arizona một ngày trước khi lần đầu tiên đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Carter nói, Mỹ sẽ tận dụng mọi khả năng sẵn có để tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này. Ông cho biết, Mỹ và nhiều nước khác lo ngại sâu sắc về một số hoạt động mà Trung Quốc đang tiến hành.


Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 7/4 công bố chính sách ngoại giao trong năm 2015, mong muốn tích cực đóng góp cho hòa bình và ổn định thế giới. "Nhật Bản tiếp tục theo con đường của một quốc gia hòa bình trong cộng đồng quốc tế... dựa trên sự hối hận sâu sắc sau cuộc chiến tranh trước", Japan Times dẫn lại đoạn mở đầu trong chương đầu tiên với tựa đề "Chính sách về ngoại giao quốc tế và phát triển của Nhật Bản, những bước chân tới tương lai trong 70 năm", Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản, cho biết. Toàn bộ Sách xanh sẽ được dịch sang tiếng Anh, lần đầu tiên trong 9 năm, trong nỗ lực nhằm phổ biến thông tin về Nhật Bản ra nước ngoài, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. Sách xanh chỉ ra "ba trụ cột" trong chính sách ngoại giao của Tokyo gồm tăng cường liên minh Nhật Bản - Mỹ, củng cố quan hệ với các nước láng giềng và cải thiện ngoại giao kinh tế để giúp kinh tế phục hồi.


Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima của Nhật Bản dọc bờ biển Bắc Mỹ. Theo hãng tin Reuters, mức độ hạt nhân phóng xạ này rất thấp, không gây nguy hại nghiêm trọng cho con người hay đời sống sinh vật biển. Theo dự đoán của các chuyên gia, phóng xạ sẽ lan đến bờ Tây của Mỹ, từ Washington đến California. Việc dự đoán mức độ lây lan sẽ phức tạp hơn khi chúng tiến gần đến bờ biển.

Tháng 11/2014, các nhà khoa học Mỹ từng phát hiện dấu vết phóng xạ rò rỉ từ thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 ở ngoài khơi bờ biển California. Thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima, kéo theo việc rò rỉ của 3 lò phản ứng hạt nhân. Sự cố này đã ảnh hưởng đến hơn 160.000 người dân và trở thành thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất sau thảm họa Chernobyl năm 1986.


Ngày 7/4, Nghiệp đoàn các nhân viên điều khiển không lưu Pháp (SNCTA) tuyên bố tiến hành đình công trên toàn quốc trong hai ngày 8-9/4, đe dọa đến 40% các chuyến bay có nguy cơ sẽ bị hoãn, chủ yếu là các chuyến bay nội địa. SNCTA cũng cảnh báo khả năng sẽ tổ chức tiếp hai cuộc đình công khác vào ngày 16-18/4 và 29/4-2/5 để yêu cầu chính quyền cải thiện điều kiện làm việc và xem xét lại tuổi về hưu, hiện đang được quy định là 59 tuổi đối với các nhân viên điều khiển không lưu. Cuộc đình công ngày 8/4 đã bị hoãn từ ngày dự định ban đầu 24/3, do xảy ra vụ máy bay của hãng hàng không Đức Germanwings rơi tại khu vực núi Alps (Pháp) làm 150 người thiệt mạng


Cơ quan thống kê quốc gia Ukraine ngày 7/4 thông báo tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này đã tăng lên mức 45,8% sau khi trải qua tháng lạm phát tăng tốc chóng mặt 10,8% trong tháng Ba vừa qua. Theo thống kê, lạm phát của Ukraine trước đó mới chỉ ở mức 3,1% trong tháng Một và tăng vọt lên 5,3% trong tháng Hai. Con số này lại tiếp tục tăng với mức chóng mặt lên 10,8% trong tháng Ba, đẩy tỷ lệ lạm phát năm của Kiev tăng đột biến. Cơ quan trên cho biết một năm sau khi xảy ra cuộc xung đột tại các tỉnh miền Đông, Ukraine phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng từ tiền tệ, ngân sách công, công nghiệp, ngân hàng đến năng lượng.

MỚI - NÓNG