Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Carter nêu rõ những sự kiện thế giới nổi cộm năm 2014 sẽ không ngăn cản được ông tiếp tục chiến lược xoay trục sang châu Á. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói tại Đại học Arizona rằng cá nhân ông cam kết giám sát việc tiếp tục tái tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Carter tuyên bố mục tiêu của ông nhằm ngẩng cao đầu và suy nghĩ về những địa điểm và sự kiện sẽ thay đổi an ninh tương lai và xác định rõ châu Á-Thái Bình Dương chính là trung tâm của tương lai ấy. Bình luận của ông chủ Lầu Năm Góc được đưa ra ít giờ trước chuyến công du khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi ông Carter nhậm chức hồi tháng 2.2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Nhật Bản trong hai ngày 8-9/4, trước khi sang Seoul hai ngày làm việc với chủ nhà Hàn Quốc. Trong chuyến công du, ông Carter còn ghé thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đóng tại Honolulu. Bài diễn văn đã phác họa cách thức ông Carter tiếp cận châu Á-Thái Bình Dương cũng như các thách thức chiến lược.
Trong đó, ông chủ Lầu Năm Góc cổ súy việc phát triển các công nghệ mới như máy bay ném bom tấn công tầm xa và loại tên lửa hành trình chống hạm mới. Nó cũng bao gồm vấn đề duy trì các thế hệ công nghệ hiện tại như các chiến đấu cơ tàng hình F-35 tiên tiến. Tuy nhiên, ông Carter nhấn mạnh chìa khóa quan trọng nhất là quan hệ giữa các quốc gia. Theo ông, sự phát triển thần kỳ khắp châu Á có được nhờ sự hiện diện lâu dài và quan hệ hữu hảo của Mỹ, và gìn giữ những mối quan hệ hữu nghị này sẽ là một phần then chốt trong thông điệp của ông.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35
Mỹ và Nhật Bản đang phát triển hướng dẫn mới nhằm tăng cường hợp tác trên một cấp độ mới, ông Carter nói. Trong chuyến công du, ông sẽ làm việc trên cơ sở thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi nhắc tới các đồng minh truyền thống của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng dành thời gian nhắc tới Việt Nam mà đại sứ Phạm Quang Vinh cũng có mặt trong cuộc gặp.
Ông Carter cũng nêu bật tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong chặng cuối quá trình đàm phán giữa Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ông mô tả TPP như một ưu tiên cấp bách và coi việc hoàn tất TPP cũng quan trọng như việc bổ sung một tàu sân bay mới vào ngân sách.
“Những mối quan hệ kinh tế đó là một phần quan trọng để tăng cường sức mạnh của đất nước chúng ta và là một dấu hiệu về ảnh hưởng chiến lược của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Theo Wall Street Journal, ông Carter dự kiến thăm Trung Quốc cuối năm nay cho biết, Mỹ lo ngại sâu sắc về xu hướng khiêu khích và cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc tăng lên về vấn đề Biển Đông và các hoạt động gián điệp mạng. Ông nhận định thách thức trung tâm chiến lược đối với thế hệ người Mỹ hiện nay là bảo đảm hòa bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên.
Ông chủ Lầu Năm Góc gạt bỏ dự báo của một số người cho rằng Trung Quốc sẽ giành ưu thế vượt trội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giành giật cơ hội của các thanh niên Mỹ. Ông Carter quả quyết rằng Mỹ và các đồng minh châu Á đã chi hơn 16 ngàn tỷ USD cho quốc phòng kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, lớn gấp 10 lần nước chi tiêu quân sự thứ hai thế giới Trung Quốc.
“Tôi bác bỏ tư tưởng trò chơi bằng không rằng Trung Quốc thắng là chúng ta thua vì còn có kịch bản khác mọi người cùng thắng. Mỹ và Trung Quốc không phải đồng minh nhưng cũng không phải kẻ thù”, ông Carter nói.