Bộ mặt thật của NATO trong cuộc so găng sức mạnh với Nga

Tàu chiến của NATO tại cuộc tập trận trên Biển Đen hôm 10/3/2015. Ảnh: Reuters
Tàu chiến của NATO tại cuộc tập trận trên Biển Đen hôm 10/3/2015. Ảnh: Reuters
TPO - Mới đây, Tổng thư ký NATO nói rằng khối quân sự này không muốn có một cuộc đối đầu với Nga. Thế nhưng với động thái chính trị, cùng các cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của NATO, khiến giới phân tích ngầm lo lắng về một cuộc đối đầu lâu dài, đầy căng thẳng không êm ả như những gì NATO tuyên bố.

Liên tục o ép

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Tây Ban Nha tại thủ đô Madrid, hồi giữa tháng 3, Tổng thư ký NATO, ông Stoltenberg

nói: “NATO không tìm cách đối đầu với Nga, nhưng Nga phải tôn trong các nước láng giềng và biên giới của họ. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định và hòa bình của châu Âu”.

Phát biểu của ông Stoltenberg đưa ra trong khi khối quân sự này lại đang tiến hành cuộc tập trận lớn ở Biển Đen - hành động mà chính phủ Nga coi là khiêu khích.

Không chỉ vậy, NATO cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong năm vào tháng 10-11 tới tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và trên biển Địa Trung Hải, với sự tham gia của 25.000 quân từ hầu hết các nước thành viên.

Ngoài ra, NATO cũng đang đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 quân triển khai ở những nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước vùng Bantic.

Khốc liệt hơn, NATO mà đứng đầu là Mỹ đang tăng cường quân sự ở những khu vực áp sát biên giới với Nga 

 Binh lính Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện cho lực lượng vệ quốc cho Ukraine.
Binh lính Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện cho lực lượng vệ quốc cho Ukraine.

Theo RT cho biết, Tàu khu trục Mỹ USS Jason Dunham vừa đi qua Bosporus và tiến vào Biển Đen, là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol nhằm thách thức Nga.

Trước đó, Hạm đội Mỹ đã thông báo sẽ hỗ trợ chiến dịch mang tên Quyết tâm Đại Tây Dương, một chiến dịch quân sự được cho là nhằm vào Nga. Tàu USS Jason Dunham được cho là sẽ ở lại Biển Đen cho đến ngày 14/4 và được cho là sẽ đến thăm thành phố cảng Odessa của Ukraine.

Vào đầu tháng 3, 6 tàu chiến khác của NATO đã tham gia vào các cuộc tập trận hải quân ở biển Đen. Chiến dịch do Mỹ dẫn đầu bao gồm các cuộc tập trận, huấn luyện chống tàu ngầm và phòng không.

Trong khuôn khổ các hoạt động của chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương, khoảng 750 xe tăng của Mỹ cùng với hàng ngàn binh lính được triển khai đến các nước Baltic. Việc tăng cường các lực lượng NATO ở Đông Âu theo lời liên minh này là nhằm để “ngăn chặn hành động gây hấn, xâm lược” của Nga.

Bộ mặt thật của NATO trong cuộc so găng sức mạnh với Nga ảnh 2

Tàu khu trục Mỹ USS Jason Dunham tới Biển Đen thách thức Nga.

Bóng ma chiến tranh Lạnh

Giữa lúc căng thẳng Nga - NATO lên mức đỉnh do khủng hoảng Ukraine, điện Kremlin cũng tiến hành một loạt các cuộc diễn tập kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. 


Cụ thể, Nga bất ngờ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu không báo trước đối với hạm đội Biển Đen, Biển Baltic, quân khu miền Tây và lực lượng đổ bộ đường không. Quy mô các cuộc tập trận này cũng rất ấn tượng: Từ tác chiến rừng núi ở vùng Caucasus tới bảo vệ đảo ở Bắc Cực.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  xem đây là cách để Moskva thể hiện sức mạnh. Điều đáng lưu ý là ở chỗ, chuỗi tập trận này không phải là lần đầu. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga và NATO đều tăng cường tần suất, quy mô các cuộc diễn tập, với giả tưởng là các kịch bản xung đột quân sự có thể nổ ra. 

Bộ mặt thật của NATO trong cuộc so găng sức mạnh với Nga ảnh 3

Nhiều vũ khí hạng nặng của Nga được huy động trong diễn tập quân sự. Ảnh: RIA Novosti

Thực tế này gợi nhớ lại ký ức của các cuộc tập trận quy mô lớn thời chiến tranh Lạnh. Tại thời điểm đó, NATO và Khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu thường xuyên mở các cuộc diễn tập quốc tế, với sự tham dự của quân đội các nước thành viên, mục đích là để bảo đảm năng lực tác chiến hợp đồng phòng khi có biến cố chiến tranh. 

Liên Xô và các đồng minh từng có cuộc tập trận lớn nhất mang tên Dnepr-67 và Zapad-81, huy động hàng chục ngàn binh lính, tác chiến hợp đồng quân binh chủng, sử dụng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. 

NATO cũng không chịu kém cạnh: cuộc tập trận hợp đồng tác chiến Able Archer-83 từng được xem là bước thao diễn triển khai binh lực khi bị đánh đòn hạt nhân. Kế đến là diễn tập Reforger-88 ở Tây Đức, huy động đến 125.000 quân. 

Bộ mặt thật của NATO trong cuộc so găng sức mạnh với Nga ảnh 4

Tàu chiến của NATO tại cuộc tập trận trên Biển Đen hôm 10/3/2015. Ảnh: Reuters

Nga và NATO có thể theo đuổi các mục tiêu khác nhau qua các cuộc diễn tập. Nhưng chắc chắn một điều, đối đầu quốc tế liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ làm cho hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn ở cả hai phía. 

Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có nhiều cuộc tập trận hơn nữa vào cuối năm nay. Đáp lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, tổ chức này hiện không được phép lựa chọn giữa phòng vệ tập thể hay quản lý khủng hoảng, mà phải thực hiện cả hai. 

Ông đồng thời cảnh báo NATO và từng nước thành viên đều phải sẵn sàng cho các tình huống không mong đợi, vì môi trường an ninh đã có sự thay đổi đột biến. 

NATO nên giải tán từ lâu?

Trong khi đó, nhà kinh tế học Jacob G. Hornberger – Chủ tịch của Quỹ Tương lai của Tự do (FFF) có trụ sở tại Mỹ cho rằng: Người Mỹ đã thần tượng hóa bộ máy quân sự khổng lồ của mình, nhắm mắt làm ngơ trước thực tế là chính cỗ máy này đang tạo ra các cuộc khủng hoảng rồi làm ra vẻ “ngây ngô vô tội”. 

Ông Hornberger nhấn mạnh: “Sự thực là đáng lẽ NATO phải được giải thể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng tổ chức này đã không bị giải thể, vì một lý do lớn: Nhằm tạo ra vô số các cuộc khủng hoảng với Nga, từ đó khiến người Mỹ cảm thấy cần phải duy trì bộ máy quân sự khủng lồ có từ thời Chiến tranh Lạnh”.

Nhà kinh tế học Mỹ nhấn mạnh: Trong khi các lực lượng diều hâu của Mỹ cứ bàn thảo về khả năng Nga “xâm lược” ở Đông Âu, thì họ lại yên lặng về sự bành trướng nhanh chóng của NATO trong khu vực này. 

Thực sự thì, chính NATO “đã đưa các nước Đông Âu vào vòng kiểm soát của mình” kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và họ luôn tâm niệm Ukraine chính là tiền đồn của NATO ở biên giới Nga trong tương lai.

Chủ tịch FFF cho rằng, không bao giờ có khả năng Nga lại cho phép liên minh NATO do Mỹ đứng đầu xây một căn cứ quân sự ngay sát biên giới với Nga, điều này tương tự như việc bộ máy an ninh quốc gia Mỹ “không đời nào” chịu để cho Bình Nhưỡng thiết lập một căn cứ quân sự ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico.

Theo Hornberger, quân đội Mỹ đã trở thành “đại sứ thiện chí” của nước này khi họ diễu binh khắp Đông Âu và “khoe” xe tăng và các loại khí cụ quân sự.

Cuối cùng kinh tế gia Hornberger kết luận rằng, đã đến lúc xem lại các nguyên tắc cơ bản của nước Mỹ khi mà giới chóp bu trong quân đội Mỹ tạo ra một nguy cơ thực sự đối với tự do và các tiến trình dân chủ ở nước này

Mỹ lo sợ thất bại trong việc cô lập Nga

Mới đây người đứng đầu Ủy ban các vấn đề Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga, nghị sĩ Alexei Pushkov đã lên tiếng khẳng định rằng, Washington đang lo lắng việc những cố gắng cô lập Nga khỏi các nước phương Tây có thể sẽ thất bại.

Phán đoán được đưa ra dựa trên phản ứng của Mỹ trước kế hoạch về chuyến thăm và dự buổi diễu binh kỉ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Moscow của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman vào tháng 5 tới.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Séc, ông Andrew Schapiro đã trả lời phỏng vấn truyền hình Cộng hoà Séc rằng chuyến thăm của Tổng thống Zemen đến Nga sẽ không phát đi “một thông điệp tốt” trước tình hình khủng hoảng tại Ukraine. Để đáp trả cho sự chỉ trích trên, Tổng thống Zemen đã "cấm cửa" Đại sứ Mỹ và khẳng định sẽ không để bất kỳ một vị đại sứ nào có thể can thiệp vào những dự định và chương trình viếng thăm của mình tới nước ngoài.

Trong khi đó, theo người đại diện của điện Kremlin- ông Sergei Ivanov, hiện đã có 25 vị lãnh đạo các nước cùng một số tổ chức quốc tế xác nhận sẽ có mặt tại Moscow ngày 9-5 để tham dự buổi diễu hành kỷ niệm chiến thắng của Nga cũng như 70 năm kể từ khi kết thúc Thế chiến II. 

MỚI - NÓNG