THẾ GIỚI 24H: Tình báo Hàn Quốc nói ông Kim Jong-un có thể chọn lộ trình bất ngờ tới Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 7/9, Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể chọn lộ trình bất ngờ cho chuyến công du Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Theo hãng thông tấn Yonhap, tại cuộc họp Ủy ban tình báo Quốc hội, hạ nghị sĩ Yoo Sang-bum – thành viên đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền, quan chức của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) – cho biết: “Theo tiết lộ của tờ New York Times, có khả năng ông Kim Jong-un sẽ có động thái bất ngờ bằng cách chọn lộ trình khác với dự kiến”. Trong cuộc họp, Giám đốc NIS Kim Kyou-hyun cũng nói rằng cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ chuyến thăm đã lên kế hoạch và chia sẻ thông tin tình báo với các cơ quan tình báo quốc gia khác, vì cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình quốc tế.


Liên Hợp Quốc cảnh báo rạn vỡ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Thế giới có nguy cơ đối mặt với sự “rạn nứt lớn” trong các hệ thống kinh tế và tài chính. Đây là cảnh báo vừa được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra ngày 7/9 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – LHQ trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia.


Tỷ phú Elon Musk 'ngắt kết nối Starlink để ngăn Ukraine tấn công Nga'. Cuốn sách tiểu sử tỷ phú Elon Musk của tác giả Walter Isaacson hé lộ việc Musk được cho là đã “bí mật yêu cầu các kỹ sư tắt mạng liên lạc vệ tinh Starlink gần bờ biển Crimea vào năm ngoái để ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine vào hạm đội hải quân Nga”. (XEM CHI TIẾT...)


Niger rơi vào vòng xoáy khủng hoảng sau đảo chính quân sự. Tình hình nhân đạo ở Niger đang ngày càng trầm trọng do các lệnh trừng phạt sau đảo chính quân sự. Đại diện UNHCR tại Niger, Emmanuel Gignac, nêu rõ các biện pháp trừng phạt do Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt đối với nước này sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước không bao gồm bất kỳ miễn trừ nào đối với viện trợ nhân đạo. Ông Gignac quan sát thấy giá lương thực và hàng hóa vốn đã tăng trước cuộc khủng hoảng này đã tăng vọt sau khi các lệnh trừng phạt của ECOWAS được áp dụng. Ông cảnh báo nếu các tổ chức nhân đạo không thể cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế thì hậu quả có thể là “thảm khốc”.


Triều Tiên hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8/9 cho biết, nước này đã hạ thủy một tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới hôm 6/9. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tham dự lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm này. Chiếc tàu ngầm mới được đóng có khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân dưới nước.


Gabon có thủ tướng lâm thời. Ngày 7/9, truyền hình quốc gia Gabon đưa tin chính quyền quân sự ở nước này đã bổ nhiệm ông Raymond Ndong Sima, một đối thủ lớn của Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo Ondimba, làm Thủ tướng lâm thời sau cuộc đảo chính ngày 30/8 vừa qua.


NATO: Không có dấu hiệu cho thấy Nga cố ý tấn công Romania. Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg ngày 7/9 tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga cố ý tấn công Romania. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Romania cho biết mảnh vỡ được tìm thấy trên lãnh thổ của nước này có thể là các bộ phận của máy bay không người lái Nga.


Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự 600 triệu USD cho Ukraine. Theo hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá 600 triệu USD, như một phần của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Tuyên bố được đăng trên trang web của Lầu Năm Góc cho hay các vũ khí trong gói viện trợ này bao gồm thiết bị để duy trì và tích hợp các hệ thống phòng không của Ukraine, đạn dược bổ sung cho các Hệ thống Rocket Đa nòng Cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 105mm, thiết bị tác chiến điện tử và chế áp điện tử, đạn nổ dọn chướng ngại vật, thiết bị rà phá bom mìn, cũng như các thiết bị hỗ trợ hoạt động huấn luyện và bảo trì vũ khí.


Áo triệu tập Đặc phái viên của Liên minh châu Âu liên quan tới vấn đề khí đốt. Ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Áo cho biết đã triệu Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại nước này vì đã chỉ trích tốc độ chậm chạp của Áo trong việc từ bỏ khí đốt của Nga và nói rằng Vienna đang phải trả tiền cho nguồn cung năng lượng từ Moscow. Trước đó một ngày, Đặc phái viên của EU Martin Selmayr cho biết hiện 55% khí đốt của Áo tiếp tục là từ Nga. Quan chức EU bày tỏ ngạc nhiên khi không có sự phản đối nào trước thực tế này.


Hàng chục người di cư được giải cứu ngoài khơi Lesvos. Chính quyền Hy Lạp hôm 7/9 cho biết hàng chục người di cư đã được giải cứu khỏi một chiếc thuyền nhỏ đang gặp khó khăn ngoài khơi một hòn đảo phía đông Biển Aegean và một cuộc tìm kiếm nữa đang được tiến hành để tìm kiếm người bị nạn trong bối cảnh lượng người di cư tìm cách nhập cư trái phép ở quốc gia Đông Nam Âu này ngày càng tăng. Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết 43 người đã được cứu từ một tàu nhỏ phía đông nam đảo Lesvos và ba tàu tuần tra đang tìm kiếm một phụ nữ bị mất tích.


Tỷ phú thân cận với ông Zelensky bị nghi ngờ tham ô 250 triệu USD. Ngày 7/9, một nghị sỹ Ukraine cho biết Cơ quan Chống Tham nhũng nước này nghi ngờ tỷ phú Ihor Kolomoisky có liên quan đến vụ tham ô 250 triệu USD. Cơ quan Chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) đã đăng thông báo 6 người bị tình nghi biển thủ 9,2 tỷ hryvnias (250 triệu USD) của ngân hàng PrivatBank. Cơ quan này không nêu chi tiết song đăng bức ảnh mờ hình một người đàn ông được cho là giống ông Kolomoisky.

MỚI - NÓNG