Đó là đánh giá của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, người giữ vị trí Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam ngày 10-11/9.
Là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào thời điểm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về chặng đường 10 năm mà hai nước đã trải qua?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Nhìn lại 10 năm qua, tôi nhận thấy quan hệ hai nước có những bước phát triển rất mạnh mẽ, đúng như kỳ vọng, thậm chí vượt kỳ vọng của cả hai bên khi Việt Nam và Mỹ quyết định thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Trong Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ vào tháng 7/2013, hai bên xác định các nội hàm cơ bản của quan hệ đó, bao gồm 9 nội dung hợp tác ưu tiên: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - y tế, văn hóa - thể thao, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh và quyền con người.
Nhìn lại cả 9 lĩnh vực đó, chúng ta đều thấy bước phát triển rất đáng kể, trong đó nổi bật nhất là kinh tế - thương mại. Trong 10 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Mỹ có những bước phát triển lớn. Thương mại hai chiều cuối năm 2012 là khoảng 25 tỷ USD, đến cuối năm 2022 đã lên tới 139 tỷ USD, tăng gần 6 lần. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày càng nhiều hơn. Trong 2 năm gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục trên 100 tỷ USD. Mỹ là thị trường duy nhất mà Việt Nam đạt được kỷ lục xuất khẩu như vậy.
Ngược lại, hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng đáng kể. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi thăm Việt Nam vào tháng 7 cho biết, không chỉ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ tăng vọt, mà ngày nay Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam gấp gần 20 lần so với năm 2002. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Cá nhân tôi nghĩ đó cũng là một kỳ tích. Những lĩnh vực hợp tác khác cũng đạt được mức phát triển đầy ấn tượng.
Tháng 2/2014, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường (trái) đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới dự lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt - Mỹ (3/2/1994 – 3/2/2014). Ảnh: TTXVN |
Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả trong quan hệ Việt - Mỹ là lòng tin giữa hai nước đã được tăng cường và củng cố đáng kể. Tôi chia quan hệ hai nước từ khi bình thường hóa đến nay thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1995 - 2013, hai nước sau một thời gian dài chiến tranh và bao vây, cấm vận, việc bình thường hóa quan hệ là một bước tiến lớn, nhưng khi đó hai bên mới bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, quan hệ song phương đã có sự phát triển về chất. Lòng tin ngày càng được tăng cường và củng cố hơn nữa, trở thành cơ sở để hai nước đạt được những bước phát triển lớn như nêu trên.
Cơ sở của lòng tin chính là việc Mỹ cam kết trong Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, rằng Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như thể chế chính trị của Việt Nam. Điều này được nhắc đi nhắc lại trong tất cả tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ những năm tiếp theo. Lãnh đạo Mỹ nhiều lần khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng. Mỹ cho rằng một nước Việt Nam mạnh mẽ và độc lập cũng chính là lợi ích của Mỹ. Điều đó góp phần củng cố lòng tin giữa hai nước trong 10 năm qua. Tôi nghĩ đây là sự khác biệt lớn nhất, khác biệt về chất của giai đoạn trước và sau khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, tạo tiền đề quan trọng để hai bên tính tới việc nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.
Nguyên tắc quan trọng
Là người tham gia trực tiếp quá trình chuẩn bị để hai nước đạt được Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện về giai đoạn đó?
Tôi vẫn nhớ rõ chuyện hai bên đàm phán về văn bản tuyên bố việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Lúc đó, phía Mỹ đề nghị sau hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, hai bên sẽ ra một thông cáo chung ngắn, khoảng 1 trang giấy về việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện là việc rất quan trọng, nên đề nghị phía Mỹ cùng trao đổi về một văn bản cấp cao hơn. Đó là Tuyên bố chung về việc xác lập khuôn khổ quan hệ mới. Chúng ta chủ động đưa cho phía Mỹ dự thảo Tuyên bố chung, trong đó nêu rõ những nguyên tắc và nội hàm của quan hệ Đối tác toàn diện như đã được công bố. Qua trao đi đổi lại, phía Mỹ cũng nhất trí với đề nghị của chúng ta.
Năm 2015, tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Ảnh: AP |
Trong quá trình đàm phán, tôi vẫn nhớ chúng ta chủ động đưa nguyên tắc “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” vào dự thảo Tuyên bố chung. Lúc đầu phía Mỹ tỏ ra khá phân vân, bởi lẽ chưa có văn bản thiết lập quan hệ nào trước đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Nếu ta nhìn lại những văn bản tuyên bố về thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược của chúng ta với các nước khác trước đó đều không có nguyên tắc này. Chúng ta đã kiên trì giải thích với Mỹ rằng quan hệ hai nước là đặc thù, đã trải qua chiến tranh, từng thù địch với nhau, có chế độ chính trị khác nhau, Mỹ cũng từng bao vây, cấm vận Việt Nam nên vẫn còn những nghi kỵ. Việc thống nhất nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau sẽ giúp xây dựng và củng cố lòng tin giữa hai quốc gia, và đây sẽ là tiền đề quan trọng để quan hệ hai nước có những bước phát triển thực chất trong những năm tới.
“Trong tất cả chuyến thăm cấp cao của hai bên những năm gần đây đều khẳng định lại nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường
Sau khi nghe chúng ta lý giải, Mỹ đồng ý đưa nguyên tắc đó vào Tuyên bố chung. Đây đã trở thành một nguyên tắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, giúp củng cố lòng tin giữa hai quốc gia trong 10 năm qua. Vì thế, trong tất cả chuyến thăm cấp cao của hai bên những năm gần đây đều khẳng định lại nguyên tắc này.
Không theo thông lệ
Trực tiếp trải qua một dấu mốc quan trọng như vậy, ông suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sắp tới cũng như chặng đường mới của hai nước trong những năm tiếp theo?
Cá nhân tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden rất quan trọng, có thể tạo nên dấu mốc mới cho quan hệ hai nước trong những năm tiếp theo. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai bên tổ chức kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện. Hai bên đánh giá quan hệ song phương đang phát triển đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của cả hai bên và đang xuất hiện những cơ hội hợp tác mới.
Trong cuộc điện đàm vào tháng 3 năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đều nói đến việc tăng cường, củng cố những thành quả đạt được trong 10 năm qua và tính tới việc làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, giao cho các cơ quan hữu quan xác định nội hàm mới trong quan hệ song phương.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden lần này cũng rất đặc biệt, không theo thông lệ thông thường mà theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi hiểu rằng với điều đó, người chủ trì lễ đón và hội đàm với Tổng thống Mỹ sẽ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đó thể hiện một lần nữa rằng hai bên rất tuân thủ thoả thuận - đó chính là nguyên tắc “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Chuyến thăm lần này là dịp tốt để lãnh đạo hai bên trao đổi về những định hướng lớn trong quan hệ hai nước và có thể tính tới việc nâng tầm quan hệ song phương.
Tôi cũng nghĩ rằng quan hệ kinh tế - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong nhiều năm tới. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, nhiều lĩnh vực mới đã mở ra. Đó là hợp tác trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo… Qua đại dịch, phía Mỹ đang điều chỉnh chính sách để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu. Mỹ cũng công bố chính sách ưu tiên đa dạng hoá nguồn cung ứng.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Yellen nêu rõ rằng ưu tiên chính sách của Mỹ là đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nhất là sản phẩm công nghệ cao. Bà đánh giá Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hoá công nghệ cao toàn cầu. Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất những mặt hàng này. Đó là lĩnh vực mới mà hai bên chưa bàn tới khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện cách đây 10 năm, và lãnh đạo hai nước có thể sẽ đạt được những thỏa thuận quan trọng trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden.
Cảm ơn ông.