Nhớ thuở ban đầu nước Mỹ ấy - Kỳ cuối: Một thời Bộ đội Việt-Mỹ

TP - Chính sử còn lưu lại rành rẽ sự kiện viên trung úy phi công Mỹ William Saw nhảy dù xuống núi rừng Hòa An, Cao Bằng cuối năm 1944 trong một chuyến bay oanh tạc căn cứ quân Nhật ở Bắc Việt Nam...

William Saw bị du kích ta bắt và dẫn về căn cứ Việt Bắc. Non tháng trời bị dẫn giải đi khắp nơi qua những chặng đường rừng gian nan, Saw nói mình mừng tưởng phát điên khi được dẫn đến gặp Bác. Niềm vui tột độ của Saw không phải là biết mình thoát chết mà anh ta được nói… tiếng Anh thoải mái với Bác Hồ sau từng ấy ngày câm lặng. Bác Hồ có việc đi Côn Minh, mang theo William Saw đi. Saw được trả cho tướng C. Chennault, Tư lệnh quân đoàn 14 của Quân đội Mỹ, làm nhiệm vụ đánh quân Nhật, có căn cứ quân sự ở Côn Minh-Quế Lâm (Trung Quốc). Tướng Chennault hết sức cảm ơn Giải phóng quân Việt Nam đã cứu phi công Mỹ và tặng Hồ Chí Minh một tấm ảnh cá nhân dưới đề bạn chân thành của ông. Claire L.Chennault kèm 6 khẩu súng lục, 2 vạn viên đạn và tiền.

Tầm nhìn xa trông rộng của Cụ Hồ thời điểm ấy đã thấy nhân dân hai nước Việt-Mỹ đều có mẫu số chung là hòa bình, độc lập bởi đều có kẻ thù chung là phát xít Đức, phát xít Nhật.

Sau chuyến đi ấy, thiếu tá A.Patti phụ trách cơ quan OSS (Office Strategic Service - Cơ quan phục vụ chiến lược) của quân đoàn 14 và thiếu tá Thomas đã theo Bác về Cao Bằng.

Những cuộc tiếp xúc của Hồ Chí Minh với các nhà quân sự Mỹ đã đem lại những kết quả tích cực. Một đơn vị biệt kích có tên là Con Nai cũng đã được thành lập nhằm cung cấp tin tức tình báo về quân đội Nhật.

Tận thời điểm này, vẫn có ít người được biết, khi đó trong lực lượng giải phóng quân của Mặt trận Việt Minh có một đơn vị bộ đội gồm 200 quân do Đàm Quang Trung chỉ huy và Thomas là tham mưu trưởng mang tên là Bộ đội Việt Mỹ.

Trong thời gian này, máy bay Mỹ đã thả dù tiếp tế cho Bộ đội Việt Mỹ vũ khí, thuốc men... Những chuyến hàng này tạo niềm phấn khởi cho Bộ đội Việt Mỹ.

Phía Việt Minh cũng cung cấp cho OSS những tài liệu quan trọng gồm tin tình báo quân đội Nhật giúp quân Mỹ tìm những người Mỹ đang lẩn trốn khỏi sự bắt bớ của quân Nhật ở khu tam giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Bắc Cạn.

Trước những việc làm này của Việt Minh, Thomas và A. Patti đều tỏ lòng cảm kích và kính trọng Hồ Chí Minh về sự chân thành và hoạt động có hiệu quả trong quan hệ hợp tác chống Nhật. Trong thời gian này, 17 phi công Mỹ đã được cứu trên đất Việt Nam.

Ngày 16/8/1945, đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào, Tuyên Quang tiến đánh quân Nhật và tay sai ở thị xã Thái Nguyên. Cùng ngày, Bộ đội Việt Mỹ do chi đội trưởng Đàm Quang Trung chỉ huy cũng tham gia đánh Nhật tại thị xã Thái Nguyên.

Bộ đội Việt Mỹ nhanh chóng tổ chức thêm 2 chi đội mới, đại đội Việt Mỹ được bổ sung quân tổ chức thành chi đội 4 do Đàm Quang Trung chỉ huy và thiếu tá Thomas vẫn làm tham mưu trưởng. Thomas viết tối hậu thư bằng tiếng Anh kêu gọi quân đội Nhật đầu hàng. Tối hậu thư có đoạn: Chúng tôi là đội quân giải phóng Việt Nam và bộ đội Việt Mỹ do đoàn thể Việt Minh lãnh đạo, hôm nay đã đến đây và đã bao vây. Chúng tôi yêu cầu anh em nhận những điều kiện này…

Chi đội 4 vừa thành lập, trận đánh đang tiếp diễn thì nhận được lệnh của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đưa một trung đội quay lại Tân Trào để đón Bác về Hà Nội. Đến ngày 9/9/1945, thiếu tá Thomas và những sĩ quan tình báo của Mỹ trong toán Con Nai đã chấm dứt nhiệm vụ của họ tại Hà Nội. Và Bộ đội Việt Mỹ từ đây cũng không còn tồn tại nữa.

Thời gian tồn tại và hoạt động của Bộ đội Việt Mỹ rất ngắn, chỉ 50 ngày.

Và sự kiện buổi chiều mồng 2/9/1945, sau thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số sĩ quan quân đội Mỹ trong phe đồng minh, trong đó có A.Patti và Thomas tham gia xem duyệt diễu binh ở Quảng trường Ba Đình. Dưới kỳ đài kia là ban nhạc người Việt Nam chơi bài Star-Spangled Banner (Quốc ca Mỹ) khá điệu nghệ.

9 giờ 10 phút ngày 21/5/2005, Tổng thống George W.Bush hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải tại phòng Bầu dục Nhà Trắng.

Và lịch sử đã ghi nhận cái bắt tay giữa hai vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Mỹ ở Nhà Trắng. Hai bên đã vượt được tấn thảm kịch cách đây 30 năm và Việt Nam nay là thành viên của cộng đồng quốc tế mà không bị cản trở bởi những gì xảy ra trong quá khứ

Những năm 80 của thế kỷ trước, có cuốn sách bán khá chạy ở nước Mỹ và châu Âu có tựa đề Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam?). Tác giả của cuốn sách dày này chính là thiếu tá Patti năm xưa!

Một tài liệu khác có minh chứng rằng thiếu tá A. Patti là người được Bác tin, cho xem Tuyên ngôn Độc lập mà Bác vừa mới viết ở số nhà 48 phố Hàng Ngang.

Một dấu son của chính sử lưu dấu sự kiện 5147, tôi xin nhắc lại là năm ngàn một trăm bốn mươi bảy lượng vàng mà gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ chính phủ cách mạng lâm thời trong những ngày đầu cam go của cách mạng.

Nhớ thuở ban đầu nước Mỹ ấy - Kỳ cuối: Một thời Bộ đội Việt-Mỹ ảnh 1

Cụ Hồ và Bộ đội Việt Mỹ.

Đó là chưa kể những nhà hiến cho cách mạng trong đó có ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang là nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể: Ngày 26/8 là ngày Chủ nhật, ngày của Tuần lễ đầu tiên Hà Nội giành chính quyền về tay nhân dân. Mới sáng tỏ mặt người, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Vũ Đình Huỳnh gặp tôi: Ông Cụ tiếp khách nước ngoài trưa hôm nay. Một vị khách rất quan trọng có quan hệ công việc với ông Cụ. Nhờ chị giúp cho một tiệc mặn, một tiệc trà sau bữa ăn. Chỉ có 6 người thôi. Theo ý ông Cụ, không nhiều món, cốt là ngon cái phong vị Việt Nam.

Tôi bèn đến Hàng Buồm hiệu Đông Hưng Viên nổi tiếng đặt món ăn và một chai Whisky loại Johnnie Walk Old Frotech Whisky. Nhưng về sau ông Huỳnh lại bảo, ông Cụ hiểu rõ sở thích của khách ưng uống loại Vermouth. Ông Huỳnh cho biết đúng 12 giờ thì khách đến.

Nhưng không rõ lý do gì vị khách đến chậm. Ông Trường Chinh, ông Võ Nguyên Giáp mấy lần ra cửa ngóng...

Gần 1 giờ chiều, xe đón khách ông Cụ mới về. Mọi người đều lui vào phía trong. Ông Cụ và ông Võ Nguyên Giáp đón khách ngay tại cửa. Chào hỏi nhau bằng tiếng Pháp. Ông Cụ và vị khách dùng tiếng Anh.

Một lúc sau đưa các món ăn lên bàn tiệc tại phòng khách. Trong mâm sáu người chỉ có một suất dùng đồ Tây. Nhưng vị khách ngoại quốc này cầm được đũa, gia nhân tôi đem đũa bát vào...

Từ phút này tôi không được biết gì thêm.

Nhớ thuở ban đầu nước Mỹ ấy - Kỳ cuối: Một thời Bộ đội Việt-Mỹ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi cảm tưởng ngay tại chiếc bàn Bác Hồ từng làm bánh tại khách sạn Omni Parker House ngày 14/5/2022.

Sau bữa cơm, ông Cụ tiếp vị khách ở phòng trà trông ra ban công có cây cảnh và hoa. Cuộc đàm đạo diễn ra tận chiều tắt mới kết. Bấy giờ qua ông Nguyễn Lương Bằng, tôi được biết vị khách ngoại quốc ấy là thiếu tá Patti - một người Mỹ trong phe đồng minh chống phát xít.

Hôm sau vợ chồng tôi tiếp khách có Bác và mấy người Mỹ. Tôi nhớ rất rõ hai người là thiếu tá Thomas và Patti. Chính hôm đó, Bác trao đổi với Patti về bản Tuyên ngôn Độc lập.

Đọc ngay trang đầu, Patti quay sang nói với Cụ Hồ rằng hình như tôi đã đọc những dòng này ở đâu đó? Cụ cười, đó là những điều mà bản Tuyên ngôn nhân quyền bất hủ của đất nước các bạn...

Trước năm 1985, chưa có dấu hiệu gì báo trước sự nồng ấm của mối quan hệ Việt-Mỹ hay dấu hiệu của việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tiếp một số doanh nhân và nhà báo Mỹ tại Hà Nội đã nói: Tôi cần nói rõ rằng, nhân dân Việt Nam muốn có quan hệ nhiều mặt với nhân dân Mỹ. Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu rồi. Các ông hãy nhớ lại rằng chúng ta có cơ hội mà các ông đã bỏ lỡ. Sau đó còn nhiều cơ hội khác, nhưng phía Mỹ cũng đã bỏ lỡ... Chúng ta nên bắt đầu làm sớm đi... Và nếu tôi là Tổng thống Mỹ thì tôi sẽ lập ngay quan hệ với Việt Nam... Tôi nghĩ rằng trẻ em Việt Nam lớn lên sẽ có quan điểm với những người Mỹ cùng thế hệ tốt hơn chúng ta hiện nay... (Báo Nhân Dân ngày 3/12/1985)

Và mười năm sau 7/1995 hai nước đã bình thường hóa quan hệ.

Tin liên quan