Tâm trí bỗng cuộn trào niềm kính thương cùng cảm phục một người Việt quê ở Thái Bình từng được Tổng thống Mỹ Ulysses Grant tiếp như tư cách một vị sứ thần! Tôi đang nghĩ tới những thông tin cũng như các cứ liệu hẵng còn đang sơ sài trong cuốn Bùi Viện và Chính phủ Mỹ của nhà sử học Phan Trần Chúc in từ năm 1945 và mới đây, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin in lại với cái tên Bùi Viện và cuộc duy tân của triều Tự Đức. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà sử học sẽ bổ sung chỉnh lý thêm tư liệu về cuộc đời Bùi Viện, một nhà canh tân lỗi lạc Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Chân dung Bùi Viện và Tổng thống Mỹ U. Grant |
Trong 36 năm ngồi ghế nguyên thủ nước Việt, có lẽ quãng thời gian khiến vua Tự Đức gần gụi và có giá trị hơn với hậu thế là thời gian mà vị vua cảm thấy bức xúc nhất là phải mau chóng canh tân!
Vì thế ông vua đầy quyền lực này mới chấp thuận nhóm cải cách canh tân gồm những nhà nho thông tuệ lập ra nhằm mưu đồ tự cường cho nước Việt. Nhóm ấy gồm đủ người các giới. Có quan lại như Lại bộ thượng thư Nguyễn Tư Giản, tu hành như nhà sư Nguyễn Đức Thuận, ngoại giao như Nguyễn Trường Tộ và có những người chỉ giữ một chức quan nhỏ như Bùi Viện.
Bùi Viện đậu tú tài năm Giáp Tý (Tự Đức thứ 17). Tầm mắt nhìn xa của Tự Đức đã đưa anh học trò thông minh làng Trình Phố, Tổng An Bồi, Phủ Kiến Xương Thái Bình lên thuyền sang Hương Cảng.
Tại đây, Bùi Viện đã gặp gỡ và quen thân với một viên sứ thần nước Mỹ (như đại sứ bây giờ) tại Hương Cảng. Vị sứ thần này rất thông thạo tiếng Hán bởi bố là người Mỹ, mẹ là người Trung Hoa. Thế là ngôn ngữ Hán thành sợi dây bền chặt để thắt tình thân ái giữa nhà du lịch kiêm nhà kinh tế, nhà ngoại giao của Việt Nam này! Mãi khi gặp vị sứ thần này, Bùi Viện mới hay mới bừng tỉnh ra trên trái đất này ngoài cái anh Phú Lãng Sa ra còn có một phần đất nữa từ cái nôi của Âu Châu, phần đất ấy là Châu Mỹ!
Qua người bạn sứ thần, Bùi Viện biết Mỹ trước đây là một nước yếu và cũng chịu cảnh chia rẽ Nam - Bắc như Trịnh - Nguyễn phân tranh nhưng đã thống nhất và có một cuộc sống thịnh vượng. Rằng Bùi Viện nên đến Mỹ, càng nên phải gặp người đứng đầu xứ ấy ngõ hầu học hỏi những điều trị nước quí báu...
Bùi Viện được vị ân nhân này bày vẽ cho nhiều thứ mà thứ quí nhất là lá thư viết cho một người bạn vốn là người gần gũi với Tổng thống Grant!
Thế là năm 1873, sau khi lênh đênh trên chiếc tàu buôn ngoại quốc nhiều ngày đêm, Bùi Viện qua Nhật cập cảng Hoa Thịnh Đốn.
Được thư giới thiệu, người bạn nọ của viên sứ thần đã nhiệt tình giúp đỡ Bùi Viện, tạo điều kiện cho ông gặp gỡ thăm thú nơi này nơi khác kể cả việc quan trọng đầu tiên là ra mắt yết kiến Tổng thống U. Grant.
(Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ trong những dòng sử ít ỏi về Bùi Viện nhưng không thấy chép chi tiết tới Hoa Thịnh Đốn thì Bùi Viện giao thiệp bằng thứ ngoại ngữ gì mà ông lưu lại Hoa Thịnh Đốn và đi thăm nhiều nơi phụ cận có tới hơn một năm?)
Bùi Viện, một người mới của thế giới cũ không thể ngờ rằng theo thông lệ một người muốn đại diện cho nước mình để giao thiệp với một nước khác thì cuộc điều đình chỉ có giá trị khi người nào đó có thư uỷ nhiệm của chính phủ mình!
Khi triều đình Huế phái đi, Bùi Viện đã tâm niệm đau đáu trong những công vụ như thế này không được làm nhục mệnh vua lẫn quốc thể. Lại được đích thân vua Tự Đức ưu ái dặn dò: “… Nhà ngươi sang xứ người, về tài chính đừng tùng tiệm mà họ nghĩ mình keo kiệt. Nói năng đừng quá khiến người ta thấy được cái kém cỏi của mình…”
Kỹ càng cẩn trọng là thế, nhưng từ vua đến các cận thần có ai nghĩ tới cái thư ủy nhiệm ấy? Nhưng U. Grant đã thấy cái vị cái thứ mà Mỹ cần tìm, cần có ở xứ Viễn Đông xa tít mù kia.
Tổng thống U. Grant biết rõ thời điểm ấy cũng biết được Mỹ đã chậm chân lắm lắm trong vấn đề thuộc địa so với một số nước Âu Châu như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha... Mỹ lại đang đối đầu với Pháp trong chiến tranh Mexico, vậy nên mặc dầu sứ thần Việt Nam không có quốc thư nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp Bùi Viện và còn chìa bàn tay hào hiệp hẹn Bùi tiên sinh hẵng chịu khó quay về cố quốc lấy quốc thư rồi sang đây bàn cụ thể việc canh tân làm ăn!
Nghe lời khuyên của Tổng thống Mỹ, Bùi Viện lại lênh đênh lặn ngòi ngoi nước nhưng không kém phần hăm hở về xứ để xin quốc thư. Vua Tự Đức khi nghe Bùi Viện thuật lại đã thông hiểu ra, ngài còn tham khảo thêm ý kiến của nhiều nhà buôn phương Tây khi đó và bèn vui vẻ cấp quốc thư cho Bùi Viện.
Khư khư quốc thư đựng trong cái ống quyển như một vật báu, năm 1875, Bùi Viện lại lênh đênh vượt trùng dương...
Không biết bao ngày đêm ròng rã theo hải trình cũ, khi đặt chân đến Hoa Thịnh Đốn, Bùi Viện vẫn được Tổng thống U.Grant tiếp đón nhưng tình hình lúc này đã đổi khác! Có thể chính sách của Mỹ thay đổi, cũng có thể quan hệ giữa Mỹ với Pháp được cải thiện nên chuyến đi thứ hai của Bùi Viện không đạt kết quả gì.
Có người nói giá như lần gặp được Tổng thống U.Granrt lần thứ nhất, Bùi Viện đã có quốc thư trong tay? Rồi giá như Tổng thống Grant không thay đổi thái độ trong lần gặp thứ hai. Biết bao cái giá như giá mà như thế để những trang sử về ngoại giao và mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ biết đâu khác với bây giờ chẳng hạn?
Nhưng những chuyến hải trình lênh đênh mệt nhọc của Bùi Viện tìm cách canh tân không thành chí ít cũng được ông vua Tự Đức cảm thông chia sẻ và ghi nhận. Thấy có chút rưng rưng khi đọc lại những dòng nửa đối nửa phú của Tự Đức phê vào tờ sớ của Bùi Viện khi ông xin về quê chịu tang mẹ.
Trẫm ư tử, vị hữu thâm ân nghĩa. Tử nãi dĩ quốc an nãi bảo gia an. Thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi (Trẫm với ngươi tuy chưa ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà không quản xa xôi lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy)
Cho dù thế nào thì những cuộc xuất dương dưới triều Tự Đức đã tình cờ đào tạo nên một kỳ tài Bùi Viện! Một nhà nho kiêm chính trị, kiêm kinh tế hàng hải và ngoại giao, người đã từng lặn ngòi ngoi nước sang tận xứ này để yết kiến người đứng đầu nước cờ hoa, ngõ hầu về canh tân cho đất nưóc trong lúc chín mươi chín phẩy chín phần trăm người Việt khi đó chưa chịu tin rằng ngoài nước mình và nước Trung Hoa ra, trong trời đất còn có nhiều nuớc như Mỹ có kiến thức và khôn khéo hơn chúng ta nhiều lắm?
Nhân việc này cũng cần nói đến một người Việt mình đến nước Mỹ sớm hơn cả Bùi Viện. Sớm hơn đến vài thập kỷ!
Bùi Viện, một người mới của thế giới cũ không thể ngờ rằng theo thông lệ một người muốn đại diện cho nước mình để giao thiệp với một nước khác thì cuộc điều đình chỉ có giá trị khi người nào đó có thư ủy nhiệm của chính phủ mình!