Bà Zakharova nhấn mạnh: "Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu lần khi tình hình đâu đó trên thế giới diễn biến theo một kịch bản quân sự không được cân nhắc kĩ lưỡng. Các vị hãy chỉ ra xem có lần nào tình hình kết thúc tốt đẹp hay không. Không có. Nếu lại tạo thêm một điểm nóng nữa, đặc biệt lại là nơi có vũ khí hạt nhân, thì hậu quả sẽ rất bi thảm".
Ngày 19/4, Nga đã cản trở một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên mặc dù Trung Quốc ủng hộ tuyên bố do Mỹ đưa ra này. Dự thảo tuyên bố trên dùng những ngôn từ mạnh mẽ yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. Song phía Nga muốn dùng lại một đoạn trong tuyên bố hồi tháng Ba, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được giải pháp thông qua đối thoại.
Nhiều năm qua, các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ luôn khẳng định nếu Triều Tiên bắn tên lửa đến Mỹ, quân đội Mỹ đủ khả năng bắn hạ. Nhưng các nhà khoa học độc lập và điều tra viên chính phủ không thực sự tin điều đó. (XEM CHI TIẾT)
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ hôm 18/4 công bố phân tích hình ảnh chụp điểm thử hạt nhân Punggye-ri ở phía Đông Bắc của Triều Tiên cho thấy sự xuất hiện của một nhóm người chơi bóng chuyền ở 3 địa điểm trong khu vực. Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể Bình Nhưỡng đang gửi đi thông điệp rằng nước này ở trong trạng thái sẵn sàng cho một vụ thử khác, hoặc đang đánh lừa Mỹ vì biết rằng địa điểm này bị theo dõi. (XEM CHI TIẾT)
Ngày 19/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow sẵn sàng tiến hành cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Phía chúng tôi đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng cho một cuộc gặp như thế. Nga hiểu rằng nếu không có các cuộc tiếp xúc cấp cao thì sẽ rất khó hình thành được chương trình nghị sự và xác định phương hướng hoạt động."
Ngày 19/4, với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng nước này Theresa May về việc tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8/6 tới. Do kế hoạch trên không cần sự phê chuẩn của Thượng viện nên các thủ tục liên quan tiến trình giải tán Quốc hội trước bầu cử vào ngày 3/5 tới sẽ được triển khai từ lúc này.
Nếu tội “diệt chủng môi trường” được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì những hoạt động của Monsanto có thể cấu thành tội danh đó. Đó là ý kiến của ban bồi thẩm của Tòa quốc tế về Monsanto tại La Hay, Hà Lan, vừa đưa ra vào hôm nay 19/4, trong đó có phần nói về Việt Nam. (XEM CHI TIẾT)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận việc Interpol đã phát thông báo đỏ đối với tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý đang sống lưu vong tại Anh và Mỹ. Theo các nguồn tin báo chí, tỷ phú Quách Văn Quý có quan hệ thân thiết với cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mã Kiến. Mã đã bị bắt giữ và điều tra tham nhũng, trong đó có việc nhận hối lộ của Quách 60 triệu nhân dân tệ. (XEM CHI TIẾT)
Ngày 19/4, nhà chức trách Nhật Bản đã thông qua kế hoạch dỡ bỏ 5 lò phản ứng cũ, đánh dấu lần đầu tiên áp dụng quy định chấm dứt vận hành các lò phản ứng đã hoạt động quá 40 năm. Hoạt động dỡ bỏ bao gồm xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, dỡ bỏ các lò phản ứng và phá bỏ các cơ sở xung quanh. Ước tính, công tác này sẽ mất khoảng 30 năm đối với mỗi lò phản ứng. Hiện địa điểm xử lý rác thải phóng xạ từ các lò phản ứng này chưa được quyết định.