Tòa quốc tế: Monsanto hủy hoại môi trường, làm hại người Việt Nam

Những người biểu tình phản đối Monsanto bên ngoài nơi diễn ra phiên tòa về Monsanto ảnh: Getty Images
Những người biểu tình phản đối Monsanto bên ngoài nơi diễn ra phiên tòa về Monsanto ảnh: Getty Images
TPO - Nếu tội “diệt chủng môi trường” được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì những hoạt động của Monsanto có thể cấu thành tội danh đó.

Đó là ý kiến của ban bồi thẩm của Tòa quốc tế về Monsanto tại La Hay, Hà Lan, vừa đưa ra vào hôm nay 19/4, trong đó có phần nói về Việt Nam.

Tập đoàn hóa chất Monsanto “đã tham gia các hoạt động tác động tiêu cực đến quyền được hưởng môi trường an toàn, quyền có thực phẩm và quyền có sức khỏe tốt”, năm thẩm phán quốc tế trong phiên tòa về Monsanto tuyên bố.

Sau khi nghe các lời khai và có vài tháng đánh giá bằng chứng, Tòa kết luận: “Nếu một tội ác như diệt chủng môi trường được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì những hoạt động của Monsanto có thể cấu thành tội danh đó".

Các thẩm phán dẫn chứng việc Monsanto phát tán rộng khắp những hóa chất nông nghiệp nguy hiểm; sản xuất, giới thiệu và bán các nông sản biến đổi gene, đưa ra thị trường những chất ô nhiễm lâu dài như PCB…

Các thẩm phán đã đưa ra phân tích pháp lý những câu hỏi được chất vấn, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện tại và luật kỳ vọng nhằm nâng cao luật môi trường và nhân quyền quốc tế.

Câu hỏi thứ 5 liên quan đến tính phức tạp của những tội ác chiến tranh theo định nghĩa trong Điều 8 (2) trong Quy chế của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) về chất độc Da cam.

Từ năm 1962 đến 1973, hơn 70 triệu lít chất độc da cam (chứa dioxin) bị rải trên khoảng 2,6 triệu hecta đất ở Việt Nam. Loại hóa chất làm rụng lá này đã đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân Việt Nam.

Những tác hại của chất độc Da cam đối với các cựu binh Mỹ, New Zealand, Úc và Hàn Quốc đã dẫn đến những vụ kiện lên tòa và sự công nhận về trách nhiệm của Monsanto cùng những vấn đề khác.

Do tình hình luật quốc tế hiện hành và thiếu bằng chứng cụ thể, Tòa không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này.

Tuy nhiên, dường như Monsanto biết các sản phẩm của họ sẽ được sử dụng như thế nào và có thông tin về hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường.

Quan điểm của Tòa là, tội diệt chủng môi trường cần được bổ sung vào luật quốc tế, những thực tế được báo cáo lên có thể thuộc thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế.

Tòa quốc tế về Monsanto được tạo thành bởi các nhóm xã hội dân sự như Hiệp hội người tiêu dùng hữu cơ, Navdanya, IFOAM Organics International, Biovision Foundation, và Regeneration International.

Kết luận của tòa không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng có tác dụng thúc đẩy nỗ lực “giải phóng đất đai và hạt giống, các cộng đồng và xã hội, hành tinh và chính chúng ta khỏi các chất độc và luật chơi của một tập đoàn chất độc”, nhà sáng lập tổ chức Navdanya, bà Vandana Shiva, từng viết.

MỚI - NÓNG