THẾ GIỚI 24H: Đô đốc Pháp kêu gọi giải tán NATO, ủng hộ Nga

THẾ GIỚI 24H: Đô đốc Pháp kêu gọi giải tán NATO, ủng hộ Nga
TPO - Đã đến lúc các nước châu Âu cần phải chấm dứt sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ra khỏi tổ chức này và ủng hộ Nga. Đây là phát biểu của Chuẩn Đô đốc, nhà văn Pháp Francois Jourdain khi trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Sputnik.

Ông Jourdain nhấn mạnh: "Khi mà NATO tiếp tục tồn tại thì sẽ không có gì thay đổi và châu Âu sẽ vẫn là chư hầu của Mỹ”. Ông Jourdain cho rằng các nước châu Âu là thành viên của NATO mất độc lập trong việc ra quyết định. Vì vậy theo ông, cần giải tán NATO mặc dù sau đó châu Âu sẽ phải đối mặt với vấn đề tạo ra hệ thống bảo vệ đáng tin cậy. Ông cho rằng châu Âu không nên ủng hộ chính sách chống Nga của Mỹ.

"Mỹ có mục đích cản trở Nga một lần nữa trở cường quốc. Đó hoàn toàn không phải là lợi ích của châu Âu, châu Âu cần phải biến Nga thành đối tác của mình vì Moscow có nhiều lợi ích chung với châu Âu… Ukraine là đất nước bị phá hủy và tham nhũng, tôi không hiểu tại sao châu Âu lại phải nhận lấy một gánh nặng như vậy", ông Jourdain nói, theo Vietnamplus.


Bất đồng giữa Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk của Ukraine ngày một sâu sắc khi nội các nước này vừa quyết định cách chức người đứng đầu Cơ quan Điều tra tài chính quốc gia Nikolai Gordienko. Ông Gordienko mất chức khi đang tiến hành cuộc điều tra tham nhũng, trong đó phát hiện nhiều thành viên nội các tham ô hơn 30 triệu USD. Theo Thủ tướng Yatsenyuk, kết luận nội các của ông tham nhũng được đưa ra sau một cuộc kiểm toán “thiên vị” tại nhà máy sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Antonov.

Trái lại, một thành viên trong Đảng Khối Poroshenko cho rằng, phát hiện của ông Gordienko thực ra chỉ là “một phần của tảng băng chìm”. Đài Deutsche Welle của Đức từng chỉ ra rằng cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine đã bị che giấu bớt một phần để hướng dư luận tập trung vào cuộc khủng hoảng ở miền Đông. Quốc hội Ukraine dự định nhóm họp vào ngày 7/4, được cho là để quyết định tương lai của Thủ tướng Yatsenyuk. Đối mặt mối đe dọa bị Đảng Khối Poroshenko hất cẳng, ông Yatsenuyk chuẩn bị đáp trả bằng cách tìm kiếm đồng minh ở nước ngoài.


Francis Malizh, Giám đốc điều hành phụ trách các nước Đông Âu và Kavkaz của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) nhận định: "Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng kinh tế do GDP năm ngoái suy giảm mạnh. Năm nay có thể có thêm khủng hoảng năng lượng". Chuyên gia kinh tế công ty bảo hiểm Pháp Coface, ông Julien Marsilli đặc biệt lưu ý rằng tình hình vô cùng tồi tệ của Ukraine liên quan tới việc đồng hryvnia mất giá. Do tư nhân và nhà nước vay nợ bằng ngoại tệ, đồng nội tệ giảm giá gây ảnh hưởng trực tiếp tới hộ gia đình, doanh nghiệp và khu vực tài chính công của Ukraine.


Ngày 5/4, Cơ quan Hàng không Đức (LBA) tuyên bố không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về căn bệnh trầm cảm của cơ phó Andreas Lubitz - người lái máy bay Germanwings đâm xuống núi. Theo AFP, người phát ngôn LBA cho biết hãng hàng không Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, không hề cung cấp cho cơ quan này bất kỳ thông tin nào về tình trạng sức khỏe của Lubitz. Các bác sĩ của Lufthansa từng kiểm tra Lubitz không báo cáo cho nhà chức trách về giai đoạn bị trầm cảm của Lubitz.


Cơ quan Hàng không châu Âu (EASA) từng cảnh báo Germanwings đã không tuân thủ một số quy định an toàn hàng không, nhất là về sức khỏe của phi hành đoàn, từ năm 2011. Ông Dominique Fouda, người phát ngôn của EASA cho biết, cơ quan này đã phát hiện một số trường hợp Germanwings không tuân thủ quy định an toàn, cũng như việc cơ quan an toàn hàng không Đức Luftfahrtbundesamt (LBA) thiếu nhân sự trầm trọng, ảnh hưởng khả năng kiểm tra an toàn các hãng hàng không và các phi hành đoàn, trong đó bao gồm kiểm tra sức khỏe.

EASA đã yêu cầu giải trình và đề nghị Đức yêu cầu các hãng hàng không quốc gia phải tuân thủ quy định an toàn. Đáp lại, Đức cam kết sẽ xem xét lại nguồn nhân lực, trình độ nhân viên và đã được EASA đưa khỏi danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, tháng 11 năm 2014, Đức lại bị cảnh báo và được kêu gọi cần tăng cường, cải thiện việc giám sát an toàn.


Các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần như đã kiểm soát được toàn bộ một trại tị nạn ở ngoại ô thủ đô Damacus của Syria, chỉ cách trung tâm quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad vài km. Nhân viên của một tổ chức nhân quyền ở Syria, có trụ sở chính tại Anh, cho biết, vào hôm 4/4, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tấn công những người nổi dậy đang kiểm soát trại tị nạn của người Palestine này.

Đây là lần thứ 2 nhóm Nhà nước Hồi giáo cố chiếm trại này. Trước đó, nhóm này giành ưu thế trong một thời gian ngắn vào hôm thứ Tư, trước khi rút lui vì những người nổi dậy phản công.


Ngày 5/4, IS đã làm nổ tung một nhà thờ Cơ đốc giáo lâu đời ở tỉnh Hasaka phía Đông Bắc Syria. Vụ việc xảy ra vào thời điểm cộng đồng Cơ đốc giáo trên toàn Syria đang tổ chức lễ Phục sinh. Hãng tin nhà nước SANA cho biết IS đã đặt mìn và phá nổ nhà thờ Virgin Mary 80 năm tuổi ở thị trấn Tal Nasra, một trong ba nhà thờ lớn trong khu vực này.

Trước đó, hồi tháng Hai vừa qua, IS cũng đã phá hủy nhà thờ Tal Hurmoz, một trong ba nhà thờ lâu đời nhất của Syria, phá hủy ba nhà thờ khác ở thị trấn Tal Tamer của Hasaka. Theo nhà chức trách Syria, IS đã phá hủy nhiều di tích lịch sử và khảo cổ học của Syria, trong đó có 6 địa danh được xếp vào danh sách Di sản Thế giới.


Ngày 5/4, Sammad - thành viên cấp cao của lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen - tuyên bố lực lượng này sẵn sàng ngồi vào bàn hòa đàm chừng nào chiến dịch không kích do Saudi Arabia đứng đầu ngừng lại và các cuộc đàm phán này phải được các bên "ôn hòa" giám sát.

Sammad nói: "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm về đối thoại và yêu cầu duy trì đối thoại bất chấp những gì đang xảy ra trên cơ sở tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau... Chúng tôi không có điều kiện gì ngoại trừ việc chấm dứt hành động gây hấn, và ngồi vào bàn đối thoại trong một thời điểm cụ thể... và bất cứ tổ chức hay bên nào của quốc tế hay khu vực không có quan điểm gây hấn đối với người dân Yemen có thể giám sát cuộc đối thoại này."


Ngày 5/4, các quan chức cảnh sát Ai Cập cho biết một quả bom đã phát nổ trên cây cầu ở khu vực thượng lưu của thủ đô Cairo làm ít nhất ba người thiệt mạng, trong đó có một nhân viên cảnh sát, và ba người bị thương. Nguồn tin cho hay quả bom được cài bên phía cầu 15 Tháng 5 tọa lạc tại khu Zamalek vào sáng cùng ngày, trong khi có nhiều sinh viên và công nhân đang ở trên cây cầu dẫn tới các khu vực trung tâm này.


Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết công ty năng lượng quốc gia Naftogaz của Ukraine sẽ tăng gấp ba lần lượng khí đốt nhập khẩu từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom (Nga) trong tháng 4/2015. 

Naftogaz đã ký hợp đồng mua 1 tỷ m3 khí đốt của Gazprom trong tháng 4/2014, theo đó sẽ tiếp nhận khoảng 33 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Ông Novak cho biết Nga đã cung cấp khoảng 400 triệu m3 khí đốt cho khu vực Donbass kể từ ngày 19/2, một ngày sau khi Kiev cắt giảm các nguồn cung khí đốt cho các khu vực miền Đông do "những hư hại đáng kể” của tuyến đường ống vận chuyển khí đốt.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.