Sửa mặt cầu Thăng Long: Chọn chuyên gia Nga vì họ từng làm cầu

Kinh phí sửa mặt cầu Thăng Long sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Kinh phí sửa mặt cầu Thăng Long sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ.
TPO - Chiều 28/9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc bộ chọn mời chuyên gia Nga tham gia sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), vì Nga từng giúp Việt Nam xây cầu này, nên có phần công nghệ chỉ họ có.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mặt cầu Thăng Long từng được sửa chữa tổng thể với công nghệ Mỹ, nhưng không thành công.

Do đó, lần này Bộ GTVT đã mời đoàn chuyên gia Nga tham gia, và ngày 17/9 vừa qua, đoàn này đã tới Việt Nam trực tiếp khảo sát mặt cầu, trao đổi về nguyên tắc hợp tác. 

“Đoàn có cả chuyên gia đã tham gia xây dựng cầu Thăng Long trước đây, và chuyên gia về chất bám dính giữa mặt cầu thép và thảm nhựa với công nghệ chỉ Nga mới có. Sau đó họ mới có đánh giá và đề xuất phương án”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, sau khi các chuyên gia Nga đưa ra phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, phía Việt Nam sẽ đánh giá, so sánh cùng với các phương án của Nhật, Đức để lựa chọn phương án nào đảm bảo độ tin cậy, phù hợp điều kiện Việt Nam.

Sau khi chọn phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Bộ GTVT sẽ công bố. 

Về thời gian khắc phục, theo ông Đông, phải đợi phương án được lựa chọn.

Kinh phí sửa chữa cầu, Bộ GTVT dự kiến lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương.

Trước đó, vào năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu. 

Mặt tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài hơn 3km, rộng 20,5m, với 4 làn xe cơ giới. Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.