“Chúng tôi sẽ bán một phần kho dự trữ của mình và thực hiện các biện pháp khác để ổn định giá dầu”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên hôm 24/11. Ông Kishida không tiết lộ khối lượng dầu xuất kho, nhưng theo báo giới địa phương, Tokyo có thể sẽ bán ra khoảng 4,2 triệu thùng.
Ông Kishida nhấn mạnh quyết định mở kho dầu được đưa ra sau động thái tương tự của giới chức Mỹ. “Tokyo và Washington đang hợp tác để ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu”, Thủ tướng Kishida nói.
Trước đó một ngày, Mỹ thông báo sẽ xuất kho 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược. Trong đó, 32 triệu thùng sẽ được xuất kho trong vài tháng tới, và lượng dầu tương tự sẽ được đưa trở lại kho dự trữ trong vài năm sau đó khi giá dầu bình ổn. 18 triệu thùng còn lại được đưa ra thị trường theo diện chính quyền tăng cường bán dầu dựa trên sự cho phép của quốc hội.
Ngay sau Mỹ, Ấn Độ đã đưa ra quyết định tương tự và tuyên bố sẽ “bơm” 5 triệu thùng dầu ra thị trường. Theo Bloomberg, kho dự trữ dầu chiến lược của Ấn Độ có khoảng 39 triệu thùng.
Hàn Quốc cũng thông báo sẽ mở kho dầu, nhưng số lượng cụ thể và thời gian xuất kho sẽ được xác định sau khi tham vấn thêm với Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay tuyên Bắc Kinh sẽ "tổ chức đưa dầu ra thị trường từ nguồn dự trữ nhà nước và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để duy trì sự ổn định của thị trường phù hợp với nhu cầu thực tế".
Trong khi đó, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh thông báo sẽ xuất 1,5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Nhiều chuyên gia cho rằng động thái xuất kho dầu tập thể của nhiều quốc gia sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) tức giận.
Hồi đầu tháng 11, các thành viên OPEC+ đã thống nhất bám sát kế hoạch nâng sản lượng dầu lên 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc giải phóng kho dự trữ dầu thô và tăng đáng kể sản lượng dầu để kiềm chế đà tăng giá.
Việc xuất kho dự trữ dầu là một biện pháp quan trọng để hạ giá xăng, trong bối cảnh giá xăng tăng nhanh vì toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch và tăng nhu cầu về nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kéo theo tình trạng tăng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng.