Nhật Bản khó xử chuyện tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
Logo của Olympic Bắc Kinh 2022
Logo của Olympic Bắc Kinh 2022
TPO - Việc Úc tuyên bố cũng sẽ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh càng gây thêm áp lực lên Nhật Bản, khi Tokyo đang nỗ lực cân bằng giữa đồng minh Mỹ với đối tác thương mại lớn nhất – Trung Quốc.

Hôm nay (8/12), Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhắc lại rằng Tokyo chưa có quyết định về thành phần đoàn dự Olympic Bắc Kinh, sau khi Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao sự kiện.

“Chính phủ sẽ ra quyết định riêng vào thời điểm phù hợp, có tính đến hàng loạt vấn đề toàn diện”, ông nói.

Nhật báo Sankei hôm nay có bài viết nói rằng các thành viên nội các Nhật Bản sẽ không có mặt.

Chính phủ Nhật đang cân nhắc cử quan chức cấp thấp đi đại diện. Ông Koji Murofushi, chủ nhiệm cơ quan thể thao, và ông Yasuhiro Yamashita, chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản, được đề xuất là những người dẫn đoàn, báo Sankei cho biết.

Việc cử đại diện như vậy sẽ tương xứng với đoàn của Trung Quốc dự Olympic Tokyo vào mùa hè vừa qua.

Tuy nhiên, việc đoàn Nhật không có thành viên nào của nội các cũng khác xa Thế vận hội mùa Đông 2018, khi Thủ tướng Shinzo Abe hồi đó dự lễ khai mạc ở Pyeongchang, Hàn Quốc, và có cuộc gặp Tổng thống Moon Jae-in.

Thông tin được báo Sankei nêu cho thấy tình thế khó xử của Nhật Bản khi phải xử lý khéo léo những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhật Bản cũng chịu sức ép phải lên tiếng về những cáo buộc nhân quyền đối với Bắc Kinh.

Ngay cả một số nghị sĩ trong đảng cầm quyền cũng thúc giục Thủ tướng Fumio Kishida tẩy chay ngoại giao.

Hôm qua (7/12), một số nghị sĩ của LDP trình đề xuất nói rằng Nhật Bản nên tẩy chay Olympic Bắc Kinh nếu Trung Quốc không thể cải thiện tình hình nhân quyền.

Ông Kishida đã có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hơn dự kiến của nhiều nhà quan sát. Ông phê phán Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, lập ra một vị trí cố vấn về nhân quyền và dành nguồn lực cho các biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế. Những bước đi này đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến Trung Quốc, dù hai bên đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau.

Các quan chức cấp cao Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì đối thoại với Bắc Kinh, nhưng không theo cách có thể phá vỡ nguyên tắc của Tokyo.

“Việc có làm theo Mỹ hay không sẽ không dễ dàng hơn nếu Nhật 'câu' thêm giờ”, ông Tom Corben, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Sydney, đánh giá.

Ông Corben cho rằng việc cử quan chức cấp thấp tham gia để thoả hiệp cũng là cách hợp lý.

“Bất kể Tokyo sẽ chỉ cử quan chức cấp thấp hay không quan chức nào thì tất cả đều không có ý nghĩa gì nếu Trung Quốc lấy lý do hạn chế dịch COVID-19 để từ chối tiếp đón các quan chức nước ngoài, hoặc cũng lấy lý do nhân quyền như Canberra và Washington”, ông Corben nói.

Theo Japan Times
MỚI - NÓNG