Ngày 6/12, Nhà Trắng thông báo rằng các quan chức Mỹ sẽ tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông vì vấn đề nhân quyền, nhưng vẫn sẽ cho phép các vận động viên Mỹ đến Bắc Kinh để tranh tài.
Nhiều đồng minh của Mỹ lưỡng lự chưa làm theo, nhưng hôm qua Úc khẳng định cũng sẽ tham gia tẩy chay ngoại giao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo rằng Bắc Kinh phản đối việc Mỹ tẩy chay ngoại giao và sẽ có “các biện pháp đáp trả kiên quyết”
“Mỹ sẽ phải trả giá cho hành động sai lầm này. Chúng ta hãy chờ xem”, ông Triệu nói.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có cuộc họp lãnh đạo vào ngày 7/12 tại trụ sở ở Lausanne, Thuỵ Sĩ, trước khi đại hội thể thao diễn ra từ ngày 4 – 20/2/2022 tại Bắc Kinh.
“Chúng tôi luôn đề nghị tôn trọng nhiều nhất có thể và sự can thiệp ít nhất có thể từ chính trị. Chúng ta phải có đi có lại. Chúng tôi tôn trọng các quyết định chính trị từ các cơ quan chính trị”, ông Juan Antonio Samaranch, quan chức điều phối trưởng của IOC về Olympic Bắc Kinh, nói.
Thế vận hội mùa Đông dự kiến diễn ra 6 tháng sau khi bế mạc Thế vận hội mùa Hè ở Tokyo. Đại hội ở Nhật Bản bị trì hoãn 1 năm vì đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi vô cùng tự hào, hạnh phúc và hy vọng tất cả các vận động viên trên thế giới sẽ sống trong hoà bình trong 59 ngày tới”, ông Samaranch nói về thời điểm khai mạc Olympic Bắc Kinh.
Mỹ dự kiến sẽ tổ chức Olympic mùa Hè 2028 ở Los Angeles và Olympic mùa Đông 2030 ở Salt Lake.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có tính chuyện tẩy chay ngoại giao 2 thế vận hội ở Mỹ hay không, ông Triệu nói rằng việc Mỹ tẩy chay đang “phá hoại nền tảng và không khí” của thể thao và hợp tác trong Olympic. Ông ví điều hành giống như “tự lấy đá ghè chân mình”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ không đưa chính trị vào thể thao, nói rằng điều này đi ngược lại nguyên tắc của Olympic.
Lựa chọn duy nhất
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nói trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ ngày 7/12 rằng, nếu các nước khác không tham gia tẩy chay thì sẽ không thể chuyển tải thông điệp rằng việc lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc là không thể chấp nhận được.
“Giờ tôi nghĩ rằng lựa chọn duy nhất đối với chúng ta là thuyết phục càng nhiều nước càng tốt tham gia hành động này”, bà Glaser nói.
Khi thông báo sẽ tẩy chay Olympic Bắc Kinh, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng Bắc Kinh đã không phản hồi nhiều vấn đề mà Úc nêu, trong đó có cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
“Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Chính phủ Úc sẽ không đến Trung Quốc để dự đại hội thể thao”, ông Morrison nói với báo chí tại Sydney.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết vẫn đang bàn vấn đề này với các đồng minh và đối tác. Anh, Hà Lan và Nhật Bản nói vẫn đang cân nhắc. Phó Thủ tướng New Zealand cho biết nước này sẽ không cử quan chức đi, nhưng chủ yếu vì quan ngại COVID-19.
Báo chí và các học giả Trung Quốc chỉ trích dữ dội hành động của Mỹ.
“Thật ngu ngốc và ngớ ngẩn khi làm điều này”, Wang Wen, giáo sư tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nói với Reuters. Ông Wang nói rằng các cường quốc có thể làm tương tự với Mỹ vào năm 2028.