Dù phần lớn họ hoài nghi rằng sẽ có một chiến dịch tẩy chay mạnh mẽ, nhưng họ nhấn mạnh là sẽ còn nhiều thay đổi từ giờ đến lễ khai mạc sau 10 tháng nữa. Các nhà ngoại giao giấu tên cũng nói về khả năng các quan chức cấp cao sẽ tránh xa Bắc Kinh dù các vận động viên và nhà tài trợ tham gia.
Dù thế nào, các nhà ngoại giao cũng đồng ý với một điều: không quốc gia nào muốn trở thành bên đầu tiên lên tiếng kêu gọi tẩy chay.
Trong tuần này, cuộc tranh luận nóng lên sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói hôm 6/4 rằng tẩy chay “đang nằm trong chương trình làm việc” và là “điều chúng tôi chắc chắn muốn thảo luận” với các đồng minh. Nhưng Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki sau đó nói khác, rằng “chúng tôi chưa thảo luận và sẽ không thảo luận bất kỳ việc tẩy chay chung nào với các đồng minh và đối tác”.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngay lập tức đáp trả. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6/4 nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương “sẽ thất bại” và sẽ vấp phải “phản ứng mạnh mẽ” từ người dân Trung Quốc. Ông Triệu nói rằng việc tẩy chay sẽ gây hại cho các vận động viên và “đi ngược lại tinh thần của hiến chương Olympic”.
“Ủy ban Olympic của Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận điều đó. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên để bảo đảm một sự kiện Olympic trọng đại thành công và khác biệt”, ông Triệu nói.
Dù Olympic Bắc Kinh đến năm sau mới diễn ra nhưng các chính phủ và doanh nghiệp làm ăn ở Trung Quốc từ giờ đã phải quyết định có tham dự sự kiện này hay không. Chiến dịch tẩy chay nhằm vào các thương hiệu bán lẻ như H&M cho thấy quyết định của các công ty sẽ ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.
“Có thể sẽ có lệnh cấm nhập một số mặt hàng từ những nước thể hiện sẵn sàng quay lưng với Thế vận hội và tẩy chay những công ty từ những nước đó”, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, nói với Bloomberg.
“Nếu Mỹ dẫn dắt cuộc tẩy chay, có thể quan hệ Mỹ - Trung sẽ xấu đi rất nhiều nữa”, bà Glaser nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu vấn đề về Olympic với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 7/4. Ông Tập bày tỏ hy vọng sự kiện thể thao này sẽ trở thành chất xúc tác cho quan hệ hai nước, đồng thời kêu gọi EU “thực sự đạt được quyền tự trị chiến lược”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nêu vấn đề ủng hộ Olympic trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản hồi tuần trước.
Cụm từ “tẩy chay Olympic Mùa đông” bị xóa khỏi mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc. Còn Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nói rằng Washington sẽ không dám đe dọa Trung Quốc bằng việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh.
“Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một nhóm nhỏ các nước có tư tưởng thượng tôn da trắng chống lại đại gia đình Olympic, thể hiện việc tự cô lập”, ông Hồ Tích Tiến viết trên Twitter.
Dù các quan chức của Ủy ban Olympic quốc tế luôn khẳng định rằng thể thao không liên quan đến chính trị, nhưng các kỳ Olympic thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp trong các vấn đề quốc tế, từ thế vận hội năm 1936 ở Đức thời Quốc xã hay năm 2008 ở Bắc Kinh. Mỹ dẫn đầu chiến dịch tẩy chay Olympic năm 1980 ở Mátxcơva để đáp trả việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. 4 năm sau, Liên Xô tẩy chay đại hội thể thao ở Los Angeles.
Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush hồi đó vẫn dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, bất chấp lời kêu gọi tẩy chay.
Nhưng quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang căng thẳng hơn nhiều so với hồi năm 2008. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu sức ép phải hành động trước vấn đề Tân Cương.
Dù những cuộc tẩy chay trước đây thường giúp tập hợp ủng hộ quốc tế đối với những nước như Nam Phi thời apartheid, nhưng Trung Quốc là một câu chuyện khác, GS Jules Boykoff, công tác tại ĐH Thái Bình Dương ở Oregon (Mỹ), đánh giá. Ông từng viết nhiều cuốn sách về chính trị trong Olympic.
“Nam Phi hồi đó ở vị thế địa chiến lược yếu hơn nhiều so với Trung Quốc ngày nay, khiến không chỉ Ủy ban Olympic quốc tế ấn nút dừng, mà các nước cũng không thể cưỡng lại sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh”, GS Boykoff nói.