Khởi đầu là câu chuyện gạo, khi Ấn độ cấm xuất khẩu thì bỗng lập tức các đơn hàng ngoại đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đưa giá gạo lên cao kèm đơn hàng xuất khẩu tăng đột biến. Theo dự báo, đây sẽ là cú “hích” cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Kế đến thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng cho thấy dòng vốn ngoại FDI bắt đầu chảy vào Việt Nam tích cực. Việc Hải Phòng công bố có thêm 4 dự án FDI mới với trị giá 91 triệu USD cũng là tin vui với thành phố này và liên tục nhiều doanh nghiệp khởi công dự án được xem là minh chứng sống thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Sau những ngày bĩ cực, dồn dập thông tin kết quả kinh doanh bi đát, thị trường chứng khoán cũng được “bật đèn xanh” với việc VN-Index lên tới 1.225 điểm thanh khoản dồi dào. Thị trường bất động sản thì “ngấm thuốc” đặc trị khi có những dự án cũ đã bắt đầu cựa quậy hồi sinh, tính pháp lý được xử lý và lãi suất ngân hàng đã hạ cùng dòng vốn đã hé cửa vay cho nhiều dự án. Đầu tư công cũng tăng tốc vượt kì vọng khi những nút thắt về cơ chế, về vốn được... cởi.
7 tháng qua thu ngân sách còn hụt thu; thị trường chứng khoán, bất động sản thì tê liệt, thị trường bảo hiểm tăng trưởng âm; sự ảm đạm phủ lên các doanh nghiệp từ hệ lụy ồ ạt phát hành trái phiếu; Ngân hàng tăng tín dụng đạt mức “đáy”, thấp nhất 10 năm trở lại đây và tiền nằm im thít “chết” trong nhà băng lên tới 6,5 triệu tỷ đồng. Con số doanh nghiệp giảm đơn hàng xuất khẩu từ 30-75%, chiếm một phần không nhỏ; đi kèm là cả triệu lao động rơi vào cảnh bị cắt giảm việc làm, mất việc. Tăng trưởng nền kinh tế 6 tháng đầu năm tuy “vượt bão” tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mục tiêu GDP 6,5% được cả Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức kinh tế lớn thế giới đều xem là thách thức!
“Giấc ngủ vùi” trong “cơn bĩ cực” của nhiều doanh nghiệp đã đi qua thực hay chưa? Phân tích các dữ liệu cập nhật thời gian gần đây cho thấy, bước sang quý 3, đặc biệt sang đầu tháng 8, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới đã bắt đầu le lói và đang tạo động lực lớn; tiếp đơn hàng cho hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu các lĩnh vực gia công phụ trợ của Việt Nam như da giày, may mặc, xuất khẩu gỗ, thép hồi sinh. Kế đó, nền kinh tế thế giới phục hồi, đại dịch COVID -19 không còn là mối đe dọa cũng thôi thúc giao thương, du lịch tìm đến khi Việt Nam bất ngờ được “xướng tên” top 10 quốc gia được khách du lịch gõ từ khóa tìm kiếm nhiều nhất thời gian qua. Báo cáo tài chính của những doanh nghiệp kinh doanh nghỉ dưỡng đã ít nhiều sáng sủa cho thấy đã có dòng tiền quay trở lại. Tất cả dường như đang cộng hưởng, trở thành dàn hợp xướng hứa hẹn những nốt nhạc vui tái xuất.
Nhìn lại nền kinh tế kể từ khi đại dịch COVID -19 bắt đầu xuất hiện tới nay, Việt Nam và nhiều nước khác đều bị “cú bồi” rất mạnh. Vật lộn với đại dịch chưa xong, thêm cuộc chiến Nga - Ukraine xuất hiện, đảo lộn trật tự làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều nền kinh tế. Tất cả những biến cố này đã đẩy thế giới vào lạm phát, suy thoái và khó khăn tưởng chừng như không thế vượt qua. Nhưng nếu bám sát quy luật của thị trường và duy trì bản lĩnh vượt khó thì vẫn luôn tồn tại và sức sống sẽ hồi sinh.
Hi vọng, những tín hiệu “cựa quậy” trên chính là sự khởi đầu mới để 6 tháng cuối năm, con tàu kinh tế Việt Nam đủ nội lực vượt qua sóng gió, tạo sức sống, hồi sinh!