Theo số liệu thị trường tháng 7 vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố, kết thúc tháng 7, trên HoSE có 43 doanh nghiệp vốn hóa hơn tỷ USD. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty cổ phần Vinhomes và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 3 đơn vị có vốn hóa trên 10 tỷ USD.
Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu vốn hóa toàn thị trường, giá trị đạt hơn 511 nghìn tỷ đồng (22 tỷ USD). Vốn hóa của Vietcombank gần gấp đôi doanh nghiệp theo sau là Vinhomes (274 nghìn tỷ đồng), và BIDV (238 nghìn tỷ đồng).
Trong tháng 7, VCB liên tục lập đỉnh mới. Tính từ đầu năm, cổ phiếu VCB đã tăng 34%. Vốn hóa Vietcombank chiếm tới 1/10 sàn chứng khoán.
10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất HoSE, tính tới cuối tháng 7. |
Nhóm ngân hàng tiếp tục chiếm áp đảo trong danh sách vốn hóa tỷ USD. Ngoài trừ 2 ngân hàng Big4 kể trên thì danh sách còn có các nhà băng gồm: VPBank, ViettinBank, Techcombank, Sacombank, VIB, HDBank, SHB, TPBank, Eximbank, LPBank, MSB, OCB.
Nhóm 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất (top 10) có sự xáo trộn về thứ tự. Techcombank ra khỏi top 10, nhường chỗ cho Masan.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của top 10 cũng chứng kiến sự đảo chiều của một số doanh nghiệp. Vinhomes vượt Vietcombank, trở thành quán quân lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Vinhomes báo lãi sau thuế 21.600 tỷ đồng, cao hơn Vietcombank (16.419 tỷ đồng).
BIDV đứng vị trí thứ 3 (11.116 tỷ đồng), VietinBank (10.009 tỷ đồng) xếp thứ 4. PVGas đứng cuối top 5, dù nửa đầu năm ghi nhận lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng. Tổng lãi sau thuế 6 tháng đầu năm của PVGas đạt 6.615 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của Hòa Phát, VPBank cũng giảm mạnh. Sáu tháng, Hòa Phát lãi sau thuế 1.831 tỷ đồng, bốc hơi đến 85% lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái. VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 12.240 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Ba doanh nghiệp mới xuất hiện trong nhóm vốn hóa tỷ USD là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Bắc Kinh. OCB đạt vốn hóa 26.165 tỷ đồng. VNDirect, Kinh Bắc cùng có vốn hóa 25.331 tỷ đồng.
Sau thời gian dài nhóm vốn hóa tỷ USD 'sạch bóng' công ty chứng khoán, đến nay, VNDirect đã trở lại. Trước đó, khi thời kỳ thị trường sôi động nhất, 2 công ty chứng khoán VNDirect và SSI có thời điểm vốn hóa vượt 2 tỷ USD.
Đến hết tháng 7, giá trị vốn hóa HoSE đạt hơn 4,87 triệu tỷ đồng, tăng 9,11% so với tháng trước.