Doanh nghiệp cần tiếp sức để tham gia chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bình Dương có hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trên 58.000 DN trong nước, đã và đang từng bước hình thành, tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng, đón chuỗi dịch chuyển, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Bình Dương còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần hỗ trợ.

Cần khơi thông đúng điểm nghẽn

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, mặc dù ngành công nghiệp phát triển khá tốt, tuy nhiên cũng như thực trạng chung cả nước, các DN trên địa bàn tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp, biểu hiện rõ nhất qua đợt dịch COVID-19, nhiều DN đã gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày.

Theo ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam (Bình Dương), cần xem xét việc chúng ta đang có gì để đón chuỗi cung ứng. Ưu tiên đón những ngành nghề nào và thực tế trình độ chúng ta tới đâu thay vì nói nhiều về chuỗi cung ứng.

“Với trình độ, chính sách như hiện nay, rất khó để đón và nâng tầm chuỗi cung ứng. Hiện nay, DN cần được ưu đãi về lãi suất, nguồn lực đất đai, tài chính để phát triển nguồn lực, phát triển quản trị. Thực tế, kỹ thuật, nguồn lực các doanh nghiệp Việt đều có thể đáp ứng yêu cầu và được chứng minh qua việc các DN FDI đang dựa vào nguồn lực Việt Nam để phát triển sản xuất. Các DN cần cơ chế, đặc biệt là tiền và đất đai để đầu tư phát triển. Điều này cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành với các quy định cụ thể”- ông Luận chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư và hình thành mạng lưới DN công nghiệp phụ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, theo ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp Công ty Constellar (có trụ sở tại Bình Dương), điều quan trọng nhất với DN là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương, ông Phil Kyun Choi cho rằng, hiện là thời cơ cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Các DN cần đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, nguồn nhân lực, công nghệ và hoàn thiện mạng lưới logictics.

Chuẩn bị thực hiện mô hình khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên tại Bình Dương, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) cho biết, DN đang khảo sát vị trí để xây khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ với quy mô 26.000 tỷ đồng.

“THACO Industries sẵn sàng liên kết, hợp tác với các DN vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đỗ Minh Tâm nói.

Doanh nghiệp cần tiếp sức để tham gia chuỗi cung ứng ảnh 1

Công nhân trong nhà máy sản xuất linh kiện ở Bình Dương. Ảnh: Hương Chi

Biến thách thức thành cơ hội

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, các doanh nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đang gia tăng, theo các chuyên gia kinh tế, cần tạo cơ hội cũng như cơ chế để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các DN Đài Loan (Trung Quốc) thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, với dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD. Cùng đó, Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu và 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TPHCM.

Khó khăn của DN hiện nay là vay tín chấp trên phương án, dự án phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng DN, trong khi DN chưa có được phương án kinh doanh tốt do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Các DN mong muốn các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Lai Xuân Đạt cho rằng, từ năm 2016, trong quy hoạch, kết nối để hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương đã rốt ráo lập quy hoạch tổng thể của tỉnh phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, điều tỉnh trông chờ nhất chính là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng cùng với các cơ chế, chính sách mới với kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn, gia tăng sức mạnh cho đội ngũ DN trong nước nhằm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Lai Xuân Đạt, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, để đón đầu cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương không thể đơn thân thực hiện mà là sự phối hợp của các địa phương, bộ, ngành và những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Công Thương cũng cần có chính sách, giải pháp hình thành hoặc cải thiện chuỗi liên kết giữa các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa với các DN lớn, các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

MỚI - NÓNG