Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Sửa bài toán doanh nghiệp dàn hàng ngang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí, chế tạo cho rằng, để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh, chỉ nên tập trung trọng điểm vào một số doanh nghiệp đầu tàu của lĩnh vực đó để hình thành các doanh nghiệp tiên phong đi đầu. Đây là cách mà hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện trong thời gian qua khi thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), muốn phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, trước tiên phải có những doanh nghiệp lớn. Nhưng mà doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay đang dàn hàng ngang để phát triển theo chiến lược “quả mít”, quả sầu riêng. Đây là tình trạng gặp khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực sản xuất, không chỉ riêng của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Tuấn, hiện nay, trong các lĩnh vực, khi có chủ trương thực hiện hỗ trợ một doanh nghiệp nào đấy phát triển thì các doanh nghiệp khác cũng đều lên tiếng muốn nhận được hỗ trợ.

Trong khi việc hỗ trợ chỉ nên tập trung trọng điểm vào một số doanh nghiệp đầu tàu của lĩnh vực đó để hình thành các doanh nghiệp tiên phong đi đầu. Đây là cách mà hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện trong thời gian qua.

“Như xây dựng, cơ khí, chế tạo…mỗi lĩnh vực chỉ chọn một đến 2 doanh nghiệp, không chọn nhiều. Chỉ chọn những doanh nghiệp có hạ tầng tốt, có bề dày, truyền thống để trở thành những doanh nghiệp đầu đàn. Khi đó đầu tàu này sẽ kéo một loạt doanh nghiệp hỗ trợ đi theo. Cùng với việc chọn các doanh nghiệp ‘đầu tầu’ để phát triển, cần thực hiện tái cấu trúc tài chính, chọn nhân sự giỏi để giúp vực dậy doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này khi đứng dậy được thì hàng loạt công ty con trực thuộc rồi các doanh nghiệp vệ tinh cũng phát triển theo”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện Lilama, với ngành cơ khí nói riêng và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung, Lilama và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành đã nhiều lần đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có các chiến lược hỗ trợ dài hạn cho doanh nghiệp. Cụ thể, như với Thuế Thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp ngành cơ khí phải hạ xuống, tiền thuê đất của doanh nghiệp cơ khí phải thấp xuống hơn so với hiện nay.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Sửa bài toán doanh nghiệp dàn hàng ngang ảnh 1

Theo các doanh nghiệp, cần tập trung hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp tiên phong ở nhiều lĩnh vực để kéo các doanh nghiệp vệ tinh phát triển theo. Ảnh: Như Ý

Theo vị này, thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành cơ khí hiện áp dụng như tất cả các ngành khác, cùng 20%/năm. Chúng ta cứ nói nhiều đến phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp gốc, công nghiệp cơ bản nhưng không có bất cứ ưu đãi gì thì làm sao phát triển. Cùng đầu tư vào một khu công nghiệp nhưng doanh nghiệp cơ khí cũng giống như doanh nghiệp dệt may, xà phòng, giấy, hóa chất. Tất cả như nhau hết.

“Trong khi các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cơ khí hay là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu vào đầu tư ở các địa phương là được hưởng đủ loại ưu đãi từ thuế kéo dài nhiều năm đến đất đai và cả vay vốn. Vay vốn ở nước ngoài với các dự án của doanh nghiệp FDI chỉ chịu lãi suất 2-3%. Còn doanh nghiệp trong nước chịu lãi suất từ 12-13%/năm. Riêng khoản chênh lệch này, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã thua hẳn một đoạn dài”, đại diện Lilama cho hay.

Theo đại diện một doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo có trụ sở tại Vĩnh Phúc, với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thuế là công cụ tốt nhất của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất. Theo vị này, ưu đãi thuế giai đoạn đầu là cách mà các nước trên thế giới cũng thường áp dụng để đẩy mạnh một lĩnh vực, một ngành nghề nào đó. Như ở Mỹ họ cho phép có tới 51 sắc thuế khác nhau ở các tiểu bang để phù hợp với điều kiện dân cư, chính sách thu hút đầu tư theo từng giai đoạn và các dòng sản phẩm, các lĩnh vực cũng như phân luồng lao động ở từng vùng. Doanh nghiệp nào muốn tập trung lĩnh vực nào thì chọn những bang, vùng có chính sách ưu đãi cho lĩnh vực đó để đầu tư, hoạt động.

“Còn như ở Việt Nam, công ty làm công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội hay Vĩnh Phúc nhưng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp giống như một công ty đóng Bắc Kạn vậy thì ai lên Bắc Kạn mà đầu tư khi mất thêm chi phí vận chuyển, tuyển dụng nhân sự cũng gặp khó khăn. Vì vậy, các loại sắc thuế cần áp dụng tùy từng vùng, điều kiện giao thông, điều kiện kinh tế theo các mức khác nhau nếu muốn cho cái vùng này hay vùng kia phát triển. Mức thuế đối với cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam đều cũng phải áp dụng như nhau”, vị đại diện doanh nghiệp này đề xuất.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh, để giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan chính phủ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, cùng các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Về dài hạn, giải pháp đặt ra là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Trong đó, sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

MỚI - NÓNG