Định vị công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Hiện, chỉ khoảng 30% DN công nghệ hỗ trợ tham gia được chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. ảnh: Như Ý
Hiện, chỉ khoảng 30% DN công nghệ hỗ trợ tham gia được chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. ảnh: Như Ý
TPO - Để công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) trong ngành cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra quốc tế. Trên sân nhà, DN cũng cần nâng cao sức cạnh trạnh.

Chỉ 30% doanh nghiệp tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện cả nước có khoảng 5.000 DN công nghệ hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giầy. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, chỉ khoảng 30% DN công nghệ hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ tại toạ đàm: “Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” ngày 8/8, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, DN triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, tuy nhiên sự liên kết này còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính là nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.

Về nguyên nhân khách quan, Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2 - 3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghệ hỗ trợ để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Hiện nay, Việt Nam hội nhập mạnh mẽ nên dư địa chính sách là không còn, nếu can thiệp sẽ vi phạm cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, tập quán kinh doanh của DN FDI sẽ ưu tiên những DN tham gia vào chuỗi cung ứng của cùng quốc tịch khiến DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Nguyên nhân chủ quan, theo ông Phạm Tuấn Anh, DN công nghệ hỗ trợ của Việt Nam còn yếu về năng lực sản xuất, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực nên gặp khó khăn trong việc cạnh tranh tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà

Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel cho biết, xu hướng tất yếu của các DN công nghiệp là chúng ta phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao được giá trị gia tăng trong sản xuất.

Theo bà Trang, có 3 vấn đề cần được giải quyết triệt để DN trong nước không mất cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Thứ nhất chúng ta phải hiểu là các DN tập đoàn nước ngoài tham gia là các DN đầu chuỗi, theo đó họ sẽ có sự ưu tiên cho các DN của nước họ và đây là điều tất nhiên chúng ta không thể chen chân vào. Tuy nhiên họ vẫn thích các DN tại địa phương mà họ đến đầu tư vì có nhiều lợi thế, ít rủi ro, nhân công rẻ, do đó vẫn có cơ hội nào đó cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Và câu hỏi đặt ra là làm sao để các DN trong nước chen chân được với các DN nước ngoài”, bà Trang đặt vấn đề.

Bà Trang cho rằng, cạnh tranh về giá vẫn là thách thức, đây là cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Cạnh tranh về giá có vấn đề, sau đó là tài chính, như các nước vay ưu đãi Chính phủ 0,5-1%, vay âm, còn Việt Nam vay đến hơn 6%.

“Cuối cùng là vấn đề nguyên vật liệu quy mô do Việt Nam sản xuất lại không có, do đó việc nhập khẩu làm cho giá trị gia tăng cao cùng với vấn đề tài chính cũng có cạnh tranh rất khủng khiếp”, bà Trang cho hay

Theo đó, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh, bà Trang cho rằng, các DN Việt Nam phải học tập liên tục, có chiến lược tầm nhìn đi trước với sự mong đợi của khách hàng.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nêu rào cản khiến DN trong nước gặp bất lợi, là chính sách tín dụng của Việt Nam đang “bóp nghẹt” về lãi suất trong khi DN đã thực sự rất khó khăn.

“Về vấn đề này, được biết Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ có điều chỉnh hỗ trợ về tài chính cho DN. Do đó, chúng tôi rất nóng lòng chính sách này được thực thi, có hiệu quả, có tác động với DN, tạo cơ hội cho DN cạnh tranh về giá thành.

Tuy nhiên, bên cạnh chính sách này, Chính phủ cần phải cởi mở, có những cơ quan hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau. Hiện, ngoài nguồn vay từ ngân hàng còn có nhiều nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước; các thiết chế tài chính khác”, bà Hương chia sẻ.

Theo bà Hương, thực tế, rất nhiều DN chế biến, chế tạo, nhất là DN điện tử khi “đói vốn” rất khó vay ngân hàng cũng như các định chế tài chính trong nước, nhưng khi có đánh giá, thậm định về kinh doanh tốt lại có thể tìm được nguồn vay từ tổ chức tài chính quốc tế. Đây chính là nguồn hỗ trợ quan trọng cho DN, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn đối với DN trong ngành chế biến, chế tạo.

MỚI - NÓNG