Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hưởng lợi nhờ các chương trình kết nối

0:00 / 0:00
0:00
Qua các chương trình kết nối, doanh nghiệp trong nước tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại. Ảnh: Như Ý
Qua các chương trình kết nối, doanh nghiệp trong nước tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại. Ảnh: Như Ý
TPO - Những năm qua, Bộ Công Thương liên tục tổ chức các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giao thương với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại, được đào tạo, nâng cao kỹ năng về quản trị, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng, từ đó tìm kiếm khách hàng tiềm năng để hợp tác.

Cầm tay chỉ việc

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực hợp tác với Cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh Quốc), các tổ chức quốc tế (World Bank, UNIDO, GIZ) và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (Samsung) triển khai các Dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020-2023, đồng thời xây dựng và triển khai Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023.

Dự án với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong 2 năm (2022-2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Chương trình sẽ kéo dài trong 12 tuần, gồm 3 tuần học lý thuyết và 9 tuần học thực hành, nhằm nâng cao kiến ​​thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.

Sau chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp tăng được năng suất, tiết kiệm hàng tỷ đồng. Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam, đại diện Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEF) cho rằng, việc tham gia vào dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, trình độ quản trị, công nghệ và vị thế của doanh nghiệp, hướng tới hình thành liên minh công nghiệp và công nghệ số. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình nhà máy thông minh, đáp ứng đủ các tiêu chí trở thành đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như SamSung Việt Nam trong tương lai gần.

Mở đường vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Tháng 7 vừa qua, dưới chứng kiến của lãnh đạo thành phố Hà Nội, ban lãnh đạo Khu công nghiệp Hanssip và đại diện nhóm doanh nghiệp vùng Kobe, Nhật Bản (Công ty Onaga) và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ đã tiến hành nhiều hoạt động ký kết.

Ông Matsumoto Izumi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, việc Onaga đầu tư vào Khu công nghiệp Hanssip trong lĩnh vực cơ khí chế tạo công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với chủ trương hợp tác phát triển ngành CNHT giữa Việt Nam và Nhật Bản.

"Các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo đà thuận lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Nhật Bản tìm đến," - ông Matsumoto Izumi nói

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G kỳ vọng đây là điểm khởi đầu cho chuỗi hàng trăm doanh nghiệp vùng Kobe nói riêng và Nhật Bản nói chung sang đầu tư sản xuất tại Hanssip và chuỗi các khu công nghiệp chuyên sâu cho CNHT - công nghệ cao do Tập đoàn N&G đầu tư phát triển tại ba miền Bắc - Trung - Nam.

Ngoài ra, cơ hội hợp tác đang ngày càng mở rộng, nhờ việc đẩy mạnh giao thương trực tuyến. Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm CNHT Việt Nam - Nhật Bản 2022. Qua đây, các doanh nghiệp có cơ hội xúc tiến thương mại trong lĩnh vực CNHT; hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời nắm được một số vấn đề cần lưu ý khi hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với thị trường Nhật Bản.

MỚI - NÓNG