Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về vốn do tác động của dịch COVID-19 kéo dài. Ảnh: Như Ý
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về vốn do tác động của dịch COVID-19 kéo dài. Ảnh: Như Ý
TPO - Đây là thông tin được đại diện các doanh nghiệp, khách mời đưa ra tại Hội nghị kết nối giữa Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội năm 2022 vừa được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là đề xuất của ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI). Theo ông Lưu Hải Minh, khảo sát tại các doanh nghiệp thành viên cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như: Thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Theo đại diện HAMI, các doanh nghiệp công nghệ chủ lực đều là các doanh nghiệp lớn trong sản xuất công nghiệp, nên rất chú trọng đến vấn đề nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, có vấn đề đang tồn tại chính là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chính sách liên quan đến việc thuê đất, thuế, ưu đãi thuế, đặc biệt là tiếp cận vốn vay ưu đãi hiện vẫn khó khăn. “Các doanh nghiệp rất mong muốn các quỹ đầu tư và các ngân hàng quan tâm đầu tư cho vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ", ông Minh kiến nghị.

Dành thời gian khá dài để nói về những vấn đề lớn của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải sau 2 năm đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), cho biết, đến nay sau một thời gian dài tìm mọi cách cầm cự, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác.

Ông Vân cho rằng, việc hình thành mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với bất cứ quốc gia nào cũng đòi hỏi thời gian và chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Với đặc thù riêng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thời phải mất một khoảng thời gian từ 3 - 5 năm để hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Với không ít doanh nghiệp, thời gian để kinh doanh có lãi thậm chí phải kéo dài từ 5-10 năm.

“Trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ chính là cơ chế chính sách đi kèm với các cơ chế cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các chính sách về hạ tầng đất đai, các quy định liên quan đến việc doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng; nguồn lực về tài chính cũng như nguồn vốn kinh doanh mua sắm máy móc thiết bị. Để giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, các tổ chức ngân hàng cần quan tâm, xem xét hỗ trợ và cho vay với mức lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài và đề nghị ngoài thủ tục cho vay thế chấp, nên nới thêm hình thức cho vay tín chấp”, ông Nguyễn Vân đề xuất.

Theo ông Vân, ngoài ra các doanh nghiệp có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng cũng như có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch cho biết, Vietcombank đã nghiên cứu, quan điểm của ngân hàng là hạn chế cho vay vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, còn với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ thì ngân hàng thống nhất luôn ưu tiên room tín dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho rằng, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, các hiệp hội cũng cần tăng cường hướng dẫn, tư vấn chi tiết cho các thành viên để có thể xây dựng các đề án vay vốn dễ dàng hơn trong bối cảnh hiện nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội khẳng định, doanh nghiệp và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, đáp ứng nhu cầu của cả hai phía. “Phía ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ là doanh nghiệp cần ngân hàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội cũng kêu gọi các ngân hàng tham dự hội nghị dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và đề xuất các hiệp hội cố gắng tổng hợp những nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thông qua Sở Công Thương truyền tải cho các ngân hàng thương mại để có phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG