Bệnh mãn tính

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bệnh mãn tính” là cụm từ được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dùng để nói về tình trạng ngập nước triền miên của thành phố khi ông tiếp xúc cử tri mới đây.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng tỏ ra hết sức khổ tâm khi người dân nhiều nơi luôn phải bì bõm trong nước, và dù đã đổ ra cả núi tiền đầu tư chống ngập nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu.

Để ngăn triều cường, TPHCM đã đầu tư 10 nghìn tỷ đồng thực hiện dự án chống ngập. Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018 nhưng công trình đã phải nằm “phơi sương, đắp chiếu” từ nhiều năm qua trong tình trạng dở dang và không biết đến khi nào mới tiếp tục, hoàn thành. Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư chống ngập vì nước mưa cũng được triển khai thực hiện nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Dự án chống ngập khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) là một ví dụ.

Với kinh phí đầu tư gần 250 tỷ đồng, dự án chống ngập cho một đoạn đường dài khoảng 2,5 km gần chợ Thủ Đức vừa hoàn thành cuối tháng 4 vừa qua. Chưa kịp mừng thì nỗi lo của người dân đã nhân lên gấp bội khi nước từ nơi vừa được chống ngập dồn về phần còn lại của khu vực này như cơn lũ sau những trận mưa lớn.

Việc đầu tư không đồng bộ, hoặc thiếu sự tính toán một cách cẩn trọng không chỉ dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, lãng phí bởi cái này phá cái kia, mà còn đem đến những rủi ro rất khó lường cho người dân khi đường phố, nhà cửa ngập chìm, giao thông tê liệt và tính mạng bị đe dọa.

TPHCM đã bắt tay vào việc chống ngập từ nhiều thập niên qua. Trải qua nhiều nhiệm kỳ với rất nhiều nghị quyết, kế hoạch, báo cáo và cả những lời hứa của nhiều đời lãnh đạo thành phố, song đến nay tình trạng ngập vẫn nguyên vẹn trong khi nỗi khổ và sự bức xúc của người dân ngày càng tăng lên.

Mặc dù vậy, chưa thấy người đứng đầu thành phố hay bất cứ cá nhân, cơ quan nào nhận trách nhiệm về việc chống ngập chậm trễ, các dự án hàng chục nghìn tỷ phải nằm bất động, hoặc các dự án chống ngập vừa làm xong lại phải tiếp tục đầu tư dự án khác để chống ngập cho dự án chống ngập vừa làm xong, tạo nên cuộc vu hồi chưa biết khi nào kết thúc.

Dù được xác định là căn bệnh mãn tính, song không phải vì thế không tiếp tục tìm thuốc trị và nhắm mắt cho qua. Với “chìa khóa 98”, tức cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, nhiều cánh cửa đang được mở ra và những điểm nghẽn, nút thắt đầu tư công tại TPHCM đang dần được tháo gỡ. Vấn đề còn lại là chính quyền thành phố vận dụng cơ chế đặc thù đó thế nào để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm làm cho thành phố nhanh chóng thoát khỏi tình trạng ngập lụt.

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan gây ra sự chậm trễ tắc trách để xử lý. Đó là một cách để khơi thông ách tắc và chữa trị dứt điểm các căn bệnh mãn tính. Nếu không rõ người, rõ trách nhiệm, không chỉ bệnh mãn tính còn tồn tại sẽ tiếp tục phát sinh nhiều loại bệnh mới, đẩy người dân vào tình cảnh khổ sở, mệt mỏi vì chờ đợi. Sự kỳ vọng về một thành phố không bị ngập nước của người dân vì thế cũng sẽ trở thành niềm mong ước xa xỉ.

MỚI - NÓNG