Đỏ mắt tìm nguồn vắc xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Đỏ mắt tìm nguồn vắc xin COVID-19
TPO - Hàng chục doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu và bảo quản vắc xin COVID-19 nhưng từ khi dịch bùng lên đến nay, chưa một doanh nghiệp nào đưa được vắc xin về Việt Nam.

Gần một tháng trôi qua, kể từ khi Cục Quản lý Dược gửi công văn cho hai “ông lớn” vắc xin thế giới là Pfizer- BioNTech và Công ty Jonhson& Jonhson, giới thiệu cho Công ty CP đầu tư Donacoop ở Đồng Nai nhập vắc xin, đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trước đó, ngày 10/6, UBND tỉnh Đồng Nai gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị bộ này tạo điều kiện cho Công ty CP đầu tư Donacoop đàm phán và nhập vắc xin COVID-19 về Việt Nam từ hai hãng Pfizer- BioNTech và Công ty Jonhson& Jonhson. Sau đó, Cục Quản lý Dược đã có công văn “hỗ trợ kết nối doanh nghiệp” gửi hai hãng vắc xin hàng đầu thế giới này. Tuy nhiên, nguồn tin của Tiền Phong xác nhận, việc đàm phán mua vắc xin đến nay vẫn chưa “đầu xuôi đuôi lọt” do nguồn vắc xin khan hiếm và các hãng chỉ làm việc với Chính phủ.

Đỏ mắt tìm nguồn vắc xin COVID-19 ảnh 1

Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đến nay chưa nhập vắc xin về được vì nhiều nguyên nhân

“Công văn của Cục Quản lý Dược chỉ giới thiệu cho công ty với các hãng, không phải là uỷ quyền hay chỉ định của Bộ Y tế để đàm phán nên rất khó để các hãng vắc xin chấp thuận”- nguồn tin nói thêm.

20 ngày sau khi có đầy đủ chứng thư thẩm định tài chính từ ngân hàng, ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha ở TPHCM vẫn chưa thể đàm phán được với các hãng sản xuất vắc xin. Trước đó, ngày 9/6, Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha được Ngân hàng Viettinbank bảo lãnh tài chính với hạn mức 192 triệu USD để nhập vắc xin. Trong văn bản gửi hãng dược AstraZeneca, Ngân hàng Viettinbank cho biết Codupha là đối tác với Viettinbank lâu năm. Vì vậy, căn cứ vào đơn đặt hàng của Codupha với số lượng 20 triệu liều, giá trị đặt hàng 192 triệu USD, Viettinbank sẵn sàng cấp tín dụng cho Codupha để đặt cọc, ký quỹ và thanh toán cho lô hàng trên với hãng AstraZeneca.

Ngoài ra, Codupha cũng đã đàm phán với hãng dược Pfizer- BioNtech của Mỹ để đặt mua 2 triệu liều vắc- xin của hãng này và ngân hàng Vietcombank cũng đã xác nhận cung ứng tín dụng 50 triệu USD cho công ty. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha họ chưa thể đưa được lọ vắc xin nào về vì đàm phán với các hãng rất khó khăn do chưa có uỷ quyền hay chỉ định công ty được nhập vắc xin từ Chính phủ.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha đã có đơn gửi Bộ Y tế về việc được đủ điều kiện giao dịch nhập khẩu vắc xin COVID-19 từ cuối tháng 6/2021. Theo Cudupha, để tạo điều kiện cho Codupha giao dịch với các hãng dược, đề nghị Bộ Y tế phát hành một thư chỉ định bằng tiếng Anh chỉ định công ty là đơn vị được Chính phủ hoặc Bộ Y tế uỷ quyền đủ điều kiện nhập vắc- xin về Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay nguồn tin của Tiền Phong xác nhận “rất khó để chỉ định hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp để nhập vì vướng cơ chế”.

Đỏ mắt tìm nguồn vắc xin COVID-19 ảnh 2

Bảng báo giá của một công ty dược phẩm ở TPHCM về thông tin về vắc xin Sputnik V với giá 39 USD/liều- ảnh L.T

Không chỉ Cudupha, mới đây Công ty Đầu tư và phát triển MCP ở quận 3, TPHCM cũng gửi thư đến đích danh ông Jonathan Selib- lãnh đạo cấp cao của Pfizer toàn cầu xin mua 20 triệu liều vắc- xin hãng này. Tuy nhiên, đến nay chưa có phản hồi nào từ Pfizer- BioNTech. Vướng mắc chung hiện nay theo các doanh nghiệp Việt là Chính phủ và Bộ Y tế không có thư chỉ định cho công ty được nhập khẩu vắc- xin nên việc đàm phán với đối tác và hãng là vô cùng khó khăn. Thực tế do các hãng vắc xin không làm việc trực tiếp với doanh nghiệp mà chỉ thông qua Chính phủ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm được nguồn vắc- xin, có hợp đồng ghi nhớ và cam kết từ các hãng nên Bộ Y tế không dễ tạo điều kiện được.

39 USD mỗi liều vắc xin Sputnik V?

Khi chúng tôi liên lạc với số di động để lại trên bảng báo giá của một nhân viên làm việc ở Công ty CP dược phẩn D.T tại TPHCM tên L.T.A.T, người này yêu cầu gửi thông tin nhu cầu mua vắc xin, số lượng và tên tuổi địa chỉ đơn vị mua vào email. “Sau khi vắc xin về nước phía công ty sẽ liên lạc lại để chốt đơn hàng”- người của công ty này nói và khẳng định khoảng 20/7 vắc xin Sputnik V sẽ về Việt Nam. Trước đó, Công ty CP dược phẩn D.T có bảng báo giá đóng dấu đỏ của công ty gửi một số khách hàng về việc “tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho doanh nghiệp”.

Theo báo giá mà công ty này gửi là loại vắc xin Sputnik V của Nga có số lượng 1 triệu liều, với giá 39 USD/ liều, thành tiền là 39 triệu USD. Đơn vị này cho biết, khi đặt hàng vắc xin sẽ giao đến tận nơi do bên mua chỉ định. Giá vắc xin trên chưa bao gồm chi phí tiêm. Ngoài ra, theo công ty này, việc thanh toán sẽ chia thành hai đợt: 50% giá trị sau khi đăng ký số lượng và nhận thông báo thanh toán từ Công ty CP dược phẩn D.T, 50% còn lại trước khi giao hàng tới kho của bên mua. Theo công ty này, họ nhập vắc xin thông qua Công ty CP Dược phẩn trung ương Codupha và Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế TPHCM. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với 2 đơn vị này, cả hai đều khẳng định họ không nhập vắc xin Sputnik V về Việt Nam.

MỚI - NÓNG