Theo dự kiến, trong tháng 7 có từ 8-10 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký. Thời gian qua Bộ Y tế đã cố gắng tiếp cận nhiều nguồn vắc xin để làm sao có đủ vắc xin sử dụng rộng rãi cho người dân một cách nhanh nhất, sớm nhất.
Đến nay, có khoảng 105 triệu liều vắc xin từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để tăng thêm 45 triệu liều nữa để đạt 150 triệu liều theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Việt Nam đặt mục tiêu tới cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Để đạt mục tiêu này, trong bối cảnh lượng lớn vắc xin sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ngành y tế trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng (Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ ngành, địa phương…). Dự kiến lễ Phát động Chiến dịch sẽ được tổ chức tại Bộ Quốc phòng.
Chiến dịch dự kiến diễn ra từ tháng 7/2021- 4/2022
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, theo dự thảo Kế hoạch, thời gian triển khai Chiến dịch diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022. Trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Tới hết quý 1/2022 sẽ có trên 70% dân số được tiêm vắc xin.
Chiến dịch được triển khai trên toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Các tỉnh thành phố nguy cơ (có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế…)..
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về tổ chức tiêm chủng, theo đó, sử dụng hệ thống TCMR, các cơ sở tiêm của các Bộ ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước, tư nhân và các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng; Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm…