Điều tra cho thấy, có 4 thanh niên từ 17h30-19h chiều 3/6 đi qua bãi tắm này, vào phòng tắm nước ngọt. Trong khung giờ này có 27 người liên quan. Chiều 13/6, một trong 4 thanh niên này bị sốt, không đi khám mà tự mua thuốc về uống. Dù đến bãi tắm và điểm tắm nước ngọt, nhưng người này không khai báo y tế. Anh này thuộc diện nghi ngờ do tiền sử dịch tễ từng đến điểm tắm nước ngọt trong thời gian được khuyến cáo có người nhiễm.
Mẫu xét nghiệm của trường hợp này được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm, phát hiện anh có kháng thể SARS-CoV-2 (nghĩa là đã nhiễm và đã khỏi bệnh). Tuy nhiên, người đàn ông này chưa từng được ghi nhận là bệnh nhân COVID-19. Cơ quan chuyên môn nhận định, trong thời gian nhiễm SARS-CoV-2, người này đã lây cho một số người khác (có thể là 19 người), đến nay đã qua 2-3 chu kỳ dịch (12-14 ngày). Đến trưa 1/7 kết quả xét nghiệm của người đàn ông này dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, việc một người “tự nhiễm SARS-CoV-2 rồi tự khỏi là chuyện bình thường”. “Có tới 60-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng.
Các bệnh nhân này tự nhiễm, tự khỏi nhưng trong người vẫn sinh ra kháng thể, cũng như tiêm vắc-xin xong thì cơ thể sinh ra kháng thể”, ông Phu nói. Ông nhấn mạnh việc luôn có những ca lẩn khuất trong cộng đồng mà không biết.
Những người này không có triệu chứng, lại không xét nghiệm nên không biết, nếu không tuân thủ 5K thì sẽ lây cho người khác. Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy, trong số 60-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng khởi phát trong giai đoạn này, khoảng 20% người sau đó (đến tuần thứ 2) bệnh chuyển nặng, có biểu hiện bệnh; nghĩa là vẫn có khoảng 40-50% không có triệu chứng, không cần điều trị.