Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô (sửa Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Dự thảo mới nhất đã có nhiều thay đổi so với dự thảo lấy ý kiến công khai hồi tháng 9 vừa qua, đặc biệt là các yếu tố tăng nặng kèm chế tài xử lý cụ thể hơn.
Quy định thu hồi phù hiệu với xe kinh doanh vận tải khách vi phạm đã áp dụng nhiều năm, nhưng thực tế áp dụng chế tài này thời gian qua không hiệu quả. Điển hình như trường hợp nhà xe Thành Bưởi (TPHCM) tái phạm nhiều lần vẫn không bị xử lý, dẫn tới sai phạm nghiêm trọng, gây tai nạn cướp đi sinh mạng nhiều người. Cùng đó, chế tài quản lý, xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình chạy khách tuyến cố định cũng không mấy hiệu quả, dẫn tới loại xe này "nở rộ" khắp các địa phương thời gian qua.
Đề xuất cấm xe hợp đồng, xe du lịch đón/trả khách tại văn phòng, tại điểm cố định trong 3 ngày liên tục, hoặc 10 ngày trong 1 tháng, thay vì tính theo tỷ lệ như hiện hành. |
Thực tế trên do quy định hiện hành về chế tài thu hồi phù hiệu không có thời hạn, dẫn tới đơn vị vi phạm vừa làm thủ tục nộp lại phù hiệu vừa làm thủ tục cấp mới ngay. Trong khi đó, nếu đơn vị không chấp hành nộp lại phù hiệu cũng không có chế tài bắt buộc phải chấp hành.
Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020 lấy ý kiến người dân hồi tháng 9 vừa qua, các đề xuất sửa đổi của GTVT chưa làm rõ được các hành vi vi phạm và chế tài áp dụng, việc cưỡng chế thực hiện xử phạt vi phạm. Tại dự thảo đã hoàn thiện trình Thủ tướng mới nhất đã cụ thể hơn hành vi và chế tài áp dụng, có tính tới yếu tố tăng nặng, đặc biệt với xe vận tải khách hợp đồng, xe du lịch.
Cụ thể, với xe hợp đồng, dự thảo mới bổ sung quy định, loại xe này không được đón/trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác. Sửa đổi này sẽ dễ dàng áp dụng trên thực tế, thay cho quy định tính theo tỷ lệ phần trăm (%) số chuyến xe, hoặc của 1 xe đón/trả khách cùng 1 địa điểm như dự thảo trước và quy định hiện hành.
Bổ sung trường hợp đơn vị vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn nếu sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.
Bổ sung hành vi bị thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn với các trường hợp: Không chấp hành quyết định thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; trong 1 tháng có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.
Trường hợp đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh, trong thời hạn 7 ngày từ ngày có quyết định của cấp thẩm quyền đơn vị phải nộp lại cho nơi cấp phép. Thời hạn thu hồi giấy phép trong trường hợp này là 30 ngày. Nếu đơn vị kinh doanh không nộp, dữ liệu xử lý vi phạm sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để từ chối kiểm định phương tiện của đơn vị đó, và đồng thời tăng thời hạn thu hồi giấy phép kinh doanh từ 30 ngày lên 45 ngày.
Với chế tài thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm bằng dữ liệu giám sát hành trình, bổ sung trường hợp nếu vi phạm trong 1 tháng có 5 lần vượt tốc độ tính trên 1.000 km xe chạy, hoặc 1 ngày có 3 lần vi phạm tốc độ sẽ bị tước phù hiệu.
Trường hợp bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe chở khách, nếu đơn vị chấp hành nộp lại phù hiệu đúng quy định và vi phạm lần đầu sẽ thu hồi có thời hạn 30 ngày, nếu không chấp hành sẽ tăng thời gian thu hồi lên 45 ngày.
Trường hợp tái phạm trong 6 tháng, thời gian thu hồi phù hiệu tăng lên 60 ngày, nếu không chấp hành nộp phù hiệu sẽ bị thu hồi 90 ngày.
Sau thời hạn trên, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải làm thủ tục cấp lại từ đầu.