Mất kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình” ngày càng nở rộ. Tình trạng này dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hợp đồng gây ra, vụ tai nạn do xe khách Thành Bưởi gây ra không phải hy hữu.
VATA đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương thực trạng này; nhiều chỉ đạo được ban hành, nhưng thực tế xe hợp đồng trá hình ngày càng nhiều hơn. Để cạnh tranh với xe hợp đồng, nhiều xe khách tuyến cố định đã bỏ bến chạy hợp đồng, lập văn phòng đại diện, bến cóc đón/trả khách, cơ quan quản lý dường như mất kiểm soát.
Xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định xuất hiện công khai tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: P.Thanh. |
Cũng theo ông Quyền, trong khi xe khách tuyến cố định phải nộp thuế, phí đầy đủ, thì xe hợp đồng hầu như chỉ chịu thuế khoán theo diện hộ kinh doanh. Thực trạng trên do nhiều quy định chưa phù hợp, như chế tài thu hồi phù hiệu với xe kinh doanh vi phạm, nhưng không có thời hạn. Từ đây lái xe tái phạm nhiều lần, thu hôm trước hôm sau đã xin cấp lại. Hay quy định về giám sát hành trình, camera ghi hình buồng lái, dù trang bị rất tốn kém, nhưng việc khai thác dữ liệu để xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc cấp phép cho các nhà xe lập văn phòng đại diện, nhưng thiếu quản lý nên bị biến thành điểm đón/trả khách trong phố, không rõ trách nhiệm của chính quyền cấp phường/xã với xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn.
Chủ tịch VATA kiến nghị các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ GTVT, cần quy định rõ loại hình xe khách hợp đồng cho phù hợp thực tế; bổ sung trách nhiệm của chính quyền phường/xã trong quản lý xe dù, bến cóc, văn phòng đại diện trên địa bàn. Đặc biệt, Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cần sớm cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý, xử lý vi phạm, đặc biệt với xe hợp đồng.
Liên quan tới hoạt động của xe khách Thành Bưởi, Cục Đường bộ vừa thành lập đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô tại Sở GTVT TPHCM và Sở GTVT tỉnh Bình Thuận (2 trong số các địa phương nhà xe Thành Bưởi đặt văn phòng). Mục đích kiểm tra là triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai do xe Thành Bưởi gây ra. Trước đó ít ngày, Sở GTVT TPHCM lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về vận tải của Công ty Thành Bưởi.
Bộ trưởng GTVT: “Tìm kẽ hở và bịt lại”
Tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng vừa diễn ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng - kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những chỉ đạo quản lý ô tô kinh doanh, đặc biệt là xe khách. Sau các tai nạn, vi phạm của xe khách vừa qua, ông Thắng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý nhà nước, những bất cập trong quản lý. Từ đó đưa ra giải pháp mạnh, sửa đổi quy định để siết chặt quản lý hoạt động vận tải, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, bộ, ngành và địa phương trong giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Phải rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, tìm kẽ hở và bịt lại, để hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Hai vấn đề lớn cần chú trọng là doanh thu, tình hình đóng thuế theo quy định và kiểm soát hành trình di chuyển, luồng tuyến đăng ký”, ông Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan.
Người đứng đầu ngành Giao thông lấy ví dụ vụ tai nạn tại Đồng Nai do xe Thành Bưởi gây ra vừa qua khiến 5 người chết (sáng 30/9). Bất cập rất rõ khi nhà xe gây tai nạn vi phạm tốc độ và bị tước phù hiệu tới 246 lần trong 9 tháng. “Vậy việc tước phù hiệu đó có thực sự hiệu lực không? Nếu chưa đủ hiệu lực phải rà soát và có chế tài mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về quản lý an toàn giao thông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Thắng nói thêm.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đề xuất chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn, từ chuyện thu hồi giấy phép cho đến cấm kinh doanh với nhà xe vi phạm nhiều lần; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý xe vi phạm.
Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường từng thừa nhận, công tác quản lý, quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô còn một số tồn tại. Một số quy định hiện hành đang tụt lùi so với trước đây, tạo lỗ hổng trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, giảm tính răn đe. Trước đây, ô tô kinh doanh vi phạm bị thu hồi phù hiệu 1 - 2 tháng sau đó mới được xét cấp lại, nhưng quy định hiện hành đã khác, nên có doanh nghiệp nay bị thu hồi mai đã xin cấp lại, dẫn tới chế tài chưa hiệu quả.
Tương tự, trước đây quy định doanh nghiệp có 20% số xe bị thu hồi phù hiệu sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, nay quy định này cũng không còn. Số liệu của Cục Đường bộ cho thấy, hiện cả nước có khoảng 540.000 ô tô kinh doanh vận tải khách, trong đó có khoảng 240.000 xe hợp đồng.
Người từng “bắt hụt” xe khách Thành Bưởi nói gì?
Chiều 11/10, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ (người từng “dám” đón lõng bắt xe khách Thành Bưởi vi phạm năm 2014) kể lại kỷ niệm cay đắng, khiến ông suýt bị kỷ luật.
“Hồi đó tính sơ sơ mỗi ngày hàng trăm lượt xe ra vào các bến. Thành Bưởi lập nhiều bến trái phép. Chúng tôi vào kiểm tra như “tổ biệt kích”, tạm giữ một số xe”, ông Sỹ nhớ lại.
Tổ thanh tra của ông Sỹ phải triệu tập lực lượng thanh tra ở địa bàn khác để vào cuộc phòng lộ thông tin. Vụ việc thanh tra Bộ GTVT mặc thường phục bắt trực tiếp xe khách và bến vi phạm lúc đó được nhiều tờ báo thông tin đậm đặc. Tuy nhiên, vì vụ việc này mà ông Sỹ suýt bị kỷ luật và khốn đốn. Cấp trên ở Bộ GTVT ngay lập tức thay quyết định ông Sỹ làm trưởng đoàn thanh tra.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước làm sớm thì đỡ thiệt hại cho dân, bởi việc này (xe khách vi phạm-PV) đã được người dân, dư luận phản ánh nhiều. Đúng là bàn tay không thể che được mặt trời. Có thể giai đoạn trước chưa xử lý được, nhưng sau này đâu có khó. Người dân ngày càng hiểu biết và tuân thủ pháp luật, sẽ giám sát và tố giác các sai phạm nhiều hơn. Cơ quan quản lý cũng nghiêm minh hơn. Tôi tin rằng, pháp luật phải được thượng tôn. Có thể chạy chọt, bao che chỗ nọ, chỗ kia; có thể lúc này lúc khác, nhưng sự nghiệp an toàn giao thông, sinh mạng người dân phải đặt trên hết.
Việc kiểm tra xe khách và bến tạm Thành Bưởi năm 2014 sau đó phải dừng là hơi buồn. Tôi đang làm trưởng đoàn nhưng bị thay người khác, dù một số xe vi phạm vẫn đang tạm giữ. Không chỉ mình khổ, một số đồng chí đi theo đoàn cũng khổ lây”, ông Sỹ nói thêm.
Đức Nam