Ngồi thừ ra chợt nghĩ không biết từ nay có lướt Blog trannhuong nữa không vì đa phần tin dữ đều sớm nhất từ đây mà phát đi. Mới mấy ngày trước là Nguyễn Khắc Phục. Lão còn đủ bình tĩnh để trưng lên bức họa Trần Nhương vẽ Nguyễn Khắc Phục dưới đề ngày 20/5 đúng cái ngày tác giả học phí trả bằng máu lìa cõi trần.
Nay thì Cao Tiến Lê.
Bần thần lẩn mẩn cái ý nghĩ, giới viết lách Hà thành bây chừ đông chật và rõ ra là đã khá khẩm sự cơm áo gạo tiền chứ không nhếch nhác lôi thôi như dạo bao cấp. Nhưng chả hiểu sao, cứ nghĩ chả thể xôm tụ gần gụi như cái dạo nào? Dạo nào ấy đâu phải xa ngái lâu lắc. Cuối những năm bảy mươi. Nhà ăn Liên Cơ.
Liên Cơ phải viết hoa như thế để chỉ bếp ăn tập thể 55 Quang Trung của Trung ương Đoàn mà cán bộ CNV chức của các ban bệ Trung ương Đoàn những NXB Thanh Niên, Kim Đồng, Tạp chí Thanh Niên Báo Tiền Phong Thiếu niên… sớm chiều vác bát- không vác miệng đến “nhà ăn năm lăm” ấy do chị Thơm phụ trách. Hồi ấy không có chuyện ăn sáng mà bảnh mắt bập luôn vào bữa sáng.
Xem nào. Từ sáu rưỡi, mắt trước mắt sau một chút đã thấy cánh viết lách những nhà văn nhà thơ Ngô Viết Dinh, Phan Xuân Hạt, Lê Minh Khuê, Định Nguyễn, Dương Kỳ Anh, Phan Cung Việt… Và một thực khách rất ít khi không sớm cũng chẳng muộn đến nhà ăn là cái dáng nghiêm ngắn hình như hơi còng, tứ mùa bận sắc lính dép rọ nhựa màu nâu là nhà văn Cao Tiến Lê. Mà so với mặt bằng cánh viết lách đương có tên tuổi hẳn hoi sắp lượt ở nhà ăn của bà Thơm khi ấy, Cao Tiến Lê hình như hơi nhô nhỉnh một chút?
Chả phải lão lúc nào cũng nghiêm nghiêm ít khi bỗ bã cười đùa? Bây giờ đã bạc phếch đầu lẫn râu nhưng tôi luôn nằm lòng lẫn cổ xúy cho cái món cười đùa nó khỏe người ra lắm còn tăng tuổi thọ như thế nào thì chưa rõ! Bữa sáng bữa chiều ở nhà ăn Liên Cơ khi ấy nhõn mỗi đĩa sắt tráng men cơm độn ngô đôi khi thì mì sợi lùm lùm.
Bí đỏ hoặc rau muống luộc họa hoằn lâu lâu cũng có vài ba lát thịt mỏng tang. Dinh dưỡng là thế nhưng hình như bù lại có được những bữa… cười! Những chuyện chả đầu chả cuối, nói chữ như nhà thơ Định Nguyễn là vô tiền khoáng hậu nhưng luôn ken chật ăm ắp các cung bậc vui vẻ.
Chỉ tủm tỉm và hiếm hoi buông ra vài mẩu bình phẩm nhuốm âm sắc xứ Nghệ nặng chịch. Ấy là khi ông văn sĩ họ Cao vui đấy. Tôi đương nói dở sự nhô nhỉnh. Gì thì gì, Cao Tiến Lê cũng là người đoạt giải Nhì của Báo Văn Nghệ năm 1972 với truyện Mùi thơm dây cháy chậm.
Thú thực với tất tật sự bấy bớt hồi ấy, cái thằng mới tập tọng chữ như lứa chúng tôi thấy cái tên truyện ngắn đượm hơi hướng trận mạc ấy ló thế lào? Đã đành viết về đề tài chiến tranh và người lính ( mà thời điểm ấy hình như là cảm hứng và là đề tài chủ đạo?) nhiều người viết ngoài nhà văn mặc áo lính còn nhiều người viết khác. Và đời thiếu chi mùi hương với mùi thơm mà lại phát hiện ra mùi dây cháy chậm của bộc phá của chết chóc tự dưng nó lại phát ra một mùi thơm như thế? Vv…
Mãi sau này khi đã quen đã nhiều lần bén chuyện và mặn chuyện, tôi lờ mờ rồi dóng khung Cao Tiến Lê là không thể khác? Cái chất lính hơi bị đậm đặc không phải cung cách ăn bận mà nó như tự bao giờ nồng nàn trong huyết quản? Nhưng chỉ như vậy thì chỉ trần sì một binh nhất binh nhì tiểu đội trưởng trung đội trưởng và quân hàm, chức vụ sau cùng khi chuyển ngành của Cao Tiến Lê là đại đội trưởng thì còn chi mà nói?
Đã đành xuyên suốt là cảm hứng đề tài người lính và trận mạc mà tên truyện hay tiểu thuyết nào đều đanh và rành rẽ chắc khừ (viết đến đây thấy văn sĩ họ Cao có cung cách kiểu đặt tên những đứa con tinh thần na ná như nhà văn Nguyễn Khải?) như Xin đừng quên tôi, Bây giờ nên xử sự thế nào, Trung tướng giữa đời thường, Ngược rừng Ba Chẽ vv… (Hình như loại trừ mỗi bay bổng Mùi thơm dây cháy chậm?).
Nhưng Cao Tiến Lê phần nào mê hoặc được người đọc là dám (xin nhấn mạnh từ ấy) đem người lính hoặc chất lính nhúng vào một số dung môi, môi trường pha tạp phong phú của đời sống thường ngày và trần tục. Cái tinh khéo hay cái được của thứ phù thủy Cao Tiến Lê là phát hiện là tìm ra sự bất biến hay đổi màu của những thử nghiệm như thế?
Gọi là tinh khéo nhưng nhà văn chả phải nhọc công truy tìm phân tách nhiêu khê dài dòng và rườm rà mà kết quả những thử nghiệm ấy như một sự tất yếu đôi khi Cao Tiến Lê hào phóng để ngỏ để bạn đọc thoải mái can dự tự rút ra kết luận. Có cảm giác người lính chất lính những năm sau cuộc chiến trong sáng tác của Cao Tiến Lê không phải là thứ bất khả xâm phạm một thứ ốc đảo bọc thứ gien bất biến mà nó tồn tại lẫn phát triển một cách biện chứng tự nhiên hòa nhập chứ không hòa tan.
Chưa có dịp bập hết những sáng tác của anh nhưng thấp thoáng đây đó không ít những nhân vật của anh chiến bại hoặc đột tử. Nhưng đó là kết cục của tình huống của hoàn cảnh chứ ít khi do chùng tay quyết lỏng tay ấn của phù thủy Cao Tiến Lê?
Và nữa, điều kiện nhà cửa nơi quần cư của dân viết lách bây chừ quá khác trước. Tôi đang nói về cái thung lũng sáu tư. Cơ quan làm việc của NXB Thanh Niên kiêm nơi ở của một số người ở 64 Bà Triệu. Từ mặt đường Bà Triệu một lối đi cứ hút mãi theo một con dốc xuống mà Cao Tiến Lê nghĩ ra cái cụm từ ngồ ngộ là thung lũng…
Không ít lần đến quấy quả nhà thơ Chu Thành (biệt danh Tú Sót) hỏi nghĩa này chữ nọ (Hán) mà mình đương tắc tị. Trên lối đi thông thống thòi ra ba cửa chính của ba hộ gia đình mà luôn thường trực chĩnh chiện cái dáng cặm cụi của Cao Tiến Lê.
Góc bên kia là mái tóc bồng bềnh của Đắc Trung đang rủ xuống cái máy chữ con tí. Rồi ngay cạnh là cái lưng khòng của nhà thơ Tú Sót đang miệt mài thư pháp. Cứ Tết đến ông Tú Sót chả nề hà rinh chữ ra mặt đường bán chơi! Tôi biết bộ ba ấy là những tay biên tập gạo cội chuyên gom và chế ra cho nhà XB lắm món bắt mắt.
Cuốn Dòng Xoáy của Trần Thị Nhật Tân được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người đến NXB xin cũng là công sức của Cao Tiến Lê và Tú Sót góp vào. Có lần tôi hít hà vui với anh Hoàng Phong (khi đó là Giám đốc NXB Thanh Niên.
Anh Hoàng Phong vốn là Trưởng Ban Báo Tiền Phong) rằng ở Nhà xuất bản Thanh Niên mà anh chịu và xuôn xẻ công việc với ba người cá tính đầy mình là ba ông nhà văn nhà thơ. Một, nhà thơ Tú Sót. Hai là nhà văn Đắc Trung. Ba, nhà văn Cao Tiến Lê. Anh Hoàng Phong cười cái ông Lê cá tính phong phú lại có tý gàn kiểu Đồ Nghệ nữa…
Nhà văn phải đặt mình ngang hàng với Tổng thống và ngang với cả thằng ăn mày. Ai đã nói câu ấy nhỉ? Vâng, Cao Tiến Lê đã rành rẽ như thế. Lập ngôn ấy đã ghi trong phần tự bạch của Cao Tiến Lê trong Kỷ yếu Hội Nhà văn. Ngồ ngộ lẫn ngại mỗi khi nghĩ đến?
Dợm mấy lần cứ quên là nhờ Quang Tuấn Phóng viên báo Nhân Dân con trai nhà văn Bùi Hiển về hỏi lại ông già một việc vui. Ấy là hồi cái anh viết mới toe Cao Tiến Lê dự Trại sáng tác Quảng Bá dám thách nhà văn Bùi Hiển (vốn rất khá môn này) đấu bóng bàn. Số là Cao Tiến Lê đã nóng mắt khi Bùi Hiển rành rẽ là chỉ đấu với người vô địch ở Trại.
Trận đó Bùi Hiển thua liền hai sec. Đêm đó mấy anh viết thì thầm với Cao Tiến Lê là mùi thơm dây cháy chậm đã vào giải chỉ đợi vài ý kiến trong đó có nhà văn Bùi Hiển. Trận thắng hồi chiều sẽ là bất lợi, mùi thơm khéo thành thum thủm mất (!?) Cao Tiến Lê cười hê hê nói ngu bỏ mẹ văn chương là văn chương bóng bàn là bóng bàn chứ.
Đâu như năm 2000, Cao Tiến Lê chuyển sang Hội Nhà văn. Cánh chúng tôi thấy tại ĐH nhà văn VI mình bỏ phiếu bầu ủy viên ban chấp hành cho ông Lê quả là không uổng. Bởi khi ông được tín nhiệm trúng chân thường trực cơ quan Hội nhà văn đã làm được ối việc.
Ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh nhàn thân đi bao nhiêu bởi vì có một ông hành chính Cao Tiến Lê riết róng chu đáo tỷ mỉ. Nghĩ cũng phải. Những anh ủy mị đưa đẩy lấy lòng khôn nhưng chẳng ngoan dễ bị cánh nhà văn qua mặt. Nhưng với tính cách thẳng băng đôi khi quyết liệt nói như anh Hoàng Phong có tí ti gàn nữa thì mọi việc đâm xuôn xẻ?
Bẵng đi một dạo dài không gặp ông. Hồi trước mỗi khi ghé Khu TT Trường Đoàn chỗ thằng em thế nào cũng nhảo qua nhà ông. Bây giờ nhà cao cửa rộng dẫu ông có bận pijama cũng chả thể nhòa đi cái dáng gù gù phăm phăm thuở ông ngồi ở thung lũng sáu tư cùng cái cười hềnh hệch quen thuộc.
Cái bữa nghe ông ra mắt cuốn sách mới Xin đừng quên tôi… Thấy là lạ sao ông anh lại đặt cái tên gơ gở ấy? Nhưng cái cười vui lành của anh gần như một sự hóa giải? Ngó kiểu cười ấy chợt nhớ một lần năm xa, anh kể khi mới lọt lòng anh đã tím tái bất động. Mẹ anh gói anh vào cái váy đụp. Một trong hai người vác đi chôn tranh thủ kéo điếu thuốc lào. Bất đồ say lăn quay nằm vật ra. Còn ông tỉnh không hút thì phát hiện ra thằng bé còn sống. Anh cười cái số tao cao khó chết lắm nhé…
Nhưng bữa ngày cuối tháng Tư âm lịch cái mệnh đã bắt cái số phải theo. Ở tuổi 80 nhà văn Cao Tiến Lê đã đi. Đi mãi.
(*) Tên một tác phẩm của Cao Tiến Lê
Cao Tiến Lê. Sinh 1937. Quê, Đô Lương, Nghệ An. Tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trực tiếp chiến đấu ở đơn vị bộ binh, làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời. Năm 1967 là phóng viên báo Quân khu 4, báo Mặt trận đường 9, báo Quân đội nhân dân. Năm 1976: chuyển ngành về Nxb Thanh niên. Năm 2000: về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Từng là Phó tổng biên tập Nxb Thanh niên, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.
Các tập truyện ngắn: Phía trong (1972); Bến quê (1976); Cây sau sau lá đỏ (1981); Đại đội chân đất (1982); Ở trần (1990); Vỏ trứng thạch sùng Đến với bình minh. Thoát hiểm (2000); Một đời vô duyên. Các tập tiểu thuyết: Một nửa cuộc đời (1978); Bây giờ nên xử sự thế nào. Con nuôi thầy phù thủy. Trung tướng giữa đời thường ( tái bản 2 lần…) Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ năm 1972-1973.