Dân biểu Lê Nam, ông là ai?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội… ngày 28/3/2016. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội… ngày 28/3/2016. Ảnh: TTXVN
TP - Nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (QH) sắp mãn. Khỏi biên ra đây những tình cảm mến mộ của cử tri đối với nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách và bán chuyên trách đã có những hoạt động đóng góp ấn tượng trong suốt cả nhiệm kỳ. 

Như TS Trần Du Lịch (Đoàn TPHCM), như ông Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai), như ông Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa)… Ông Lê Nam trong phiên họp cuối có bài phát biểu tại hội trường (được phát thanh truyền hình trực tiếp) dường như đã gây bão dư luận!

Lê Nam, ông là ai? Lê Nam khác với những dân biểu Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch.  Đã đành các vị Dương, Trần, Lê đây vốn thường trực với những phát biểu tâm huyết, sắc sảo, phong phú hàm lượng trí tuệ cùng phương pháp gọi sự vật bằng cái tên của nó luôn được cử tri bắt tai bắt mắt. Nhưng với nhị vị Trần, Dương không thể không liên tưởng đến cái na ná của câu ngạn ngữ nước ngoài đại ý, tôi không đẻ ra quả trứng nào nhưng có thể biết thưởng thức thứ luộc thứ rán và cả trứng lộn nữa!

Ông dân biểu Trần Du Lịch nổi tiếng chẳng phải ông giữ những chức vụ nho nhỏ như Trưởng phòng Biên tập tạp chí Khoa học Xã hội thuộc Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý và Phát triển, Thư ký Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế thành phố, Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố. Dân biểu họ Dương cũng chỉ be bé, xinh xinh chức Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay, rồi chức Phó Hội Khoa học lịch sử. Nhưng nhị vị đây rất sành việc thưởng thức trứng. Nghĩa là rất thạo việc mổ xẻ, phân tích hệ thống quản lý và cơ chế với tư cách nhà xã hội học, chuyên gia kinh tế, nhà báo và chút chi đó của một cây lý luận. Nghĩa là nhị vị đây không thiết, không biết và không cứ gì phải làm cái việc đẻ trứng?

Nhưng Lê Nam, khác với nhị vị Dương, Trần, lại là người từng biết đẻ trứng. Nghĩa là bập, là can dự hơi bị sâu vào cơ chế cùng hệ thống quản lý.

… Xứ Thanh mùa hè năm 1986. Hầm hập triền miên những ngày ba bảy, ba chín độ. Nhưng nóng trời chả bằng nóng người. Rát rẫy hơn cả là vụ Đoàn kiểm tra 14 Viện Kiểm sát (VKS) tỉnh Thanh Hóa đối đầu Đặng Đình Tám. Đặng Đình Tám phụ trách một công ty thương mại của tỉnh có nhiều việc làm tiêu cực, khuất tất. VKS tỉnh kiểm tra giám sát việc thực thi luật pháp của công ty thương mại Đặng Đình Tám là việc bình thường. Việc không bình thường là có sự che chắn chống lưng quyết liệt và tinh vi của vài cơ quan chức năng, của nhiều cá nhân có trách nhiệm. Đáng gờm và ngại, tổng đạo diễn những che chắn, chống lưng, trù úm thấp thoáng có cá nhân ông Bí thư tỉnh ủy khi ấy.

Và oái oăm, lãnh đạo VKS lại cùng một giuộc chống lưng bênh che. Đoàn kiểm tra 14 bị vu oan giá họa. Đoàn kiểm tra 14 có trưởng đoàn là kiểm sát viên Lê Nam. Đoàn gồm những kiểm sát viên trẻ, hăng hái. Đùng cái, họ hẫng hụt, chơi vơi. Trước tình cảnh bị cô lập, bị đe dọa, thọ địch tứ bề, họ đành chạy ra Hà Nội cầu cứu các cơ quan ngôn luận, trong đó có báo Tiền Phong. Chạy ra theo nghĩa đen của từ này. Bởi  khi đó, những lá đơn kêu cứu không thể xuôi chèo mát mái theo quy trình của ngành bưu chính mà yên ổn từ Thanh Hóa đến được nơi cần đến. Và tổ phóng viên Tiền Phong cũng chả thể công khai xuất hiện ở vài địa bàn xứ Thanh để hành nghề điều tra công khai theo nhân mối để thu thập tài liệu.

Vậy nên phải bí mật. Phải trốn chui trốn nhủi. Lọ mọ đêm hôm. Rồi bất ngờ liên tục tung ra những bài báo chống tiêu cực. May khi đó có chất lửa những việc cần làm ngay của ông Nguyễn Văn Linh nên khí thế lắm. Và hiệu ứng cùng hiệu quả những cú hích của báo chí, trong đó có tờ Tiền Phong. May mắn, tuy dằng dai hơn năm trời nhưng kịp thời có Chỉ thị 74 của Ban Bí thư (do ông Đỗ Mười ký) kết luận những vụ việc tiêu cực, trong đó cụ thể những khuyết điểm của người đứng đầu tỉnh. Ông Bí thư tỉnh ủy mất chức. Và Đoàn kiểm tra 14 được minh oan.

 Còn nhớ, kiểm sát viên, trưởng đoàn 14 Lê Nam sau đó được chuyển công tác về Tổ thư ký UBND tỉnh. Bẵng đi một dạo dài không gặp lại, rồi nghe tin Lê Nam chững chạc ở vị thế Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Rồi cũng bẵng đi một thời gian. Lại nghe và mừng cho Lê Nam chững chạc tiếp ở cương vị Bí thư Thị ủy Sầm Sơn. Chắc Sầm Sơn chỉ là nhỏ lẻ trong hệ thống du lịch èo uột của nước Nam khi ấy, dầu không ít chuyện phiền lòng du khách như… huyền thoại, nhưng dưới sự trị vì của Bí thư Lê Nam nên khá là yên ổn. Yên ổn bởi chưa có những đổi thay những dự án hoành tráng tương tự FLC bây giờ với chủ đích thay đổi tận gốc bộ mặt du lịch mạn bể xứ Thanh. Chắc chưa lo tính kỹ, tính xa nên dự án hoành tráng ấy không hiểu sao đã vấp phải sự phản ứng tụ tập dài ngày của ngư dân Sầm Sơn. Đến mức Bí thư tỉnh ủy phải đứng ra gặp dân để thu xếp này khác. May mà yên ổn.

Cũng định dịp kỳ họp cuối của nhiệm kỳ QH khóa XIII này, nhân chỗ quen biết cũ, muốn gặp lại dân biểu Lê Nam để tò mò thêm nhiều thứ. Ấy là cái hồi giải phóng mặt bằng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nổ súng chết người. Rồi tiểu thương chợ Bỉm Sơn bãi thị. Hai sự kiện ấy ông Mai Xuân Ninh khi ấy là Chủ tịch phải đứng ra đối thoại với dân.

Rồi mới đây, khi cử tri Sầm Sơn trong thời điểm vây hãm trụ sở công quyền, không biết đã có bao nhiêu lá đơn khẩn thiết tin cậy gửi đến ông cựu Bí thư Sầm Sơn kiêm dân biểu tỉnh Thanh kiêm Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa vốn được nhiều cử tri mến mộ, tin cậy? Và dân biểu Lê Nam đã giải quyết ra sao? Tò mò hơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa (người được cử tri cả nước cũng như cánh báo chí theo dõi QH luôn bám sát từng bước đi và hoạt động bởi những phát ngôn cực kỳ ấn tượng) đã tham mưu góp ý cho lãnh đạo địa phương những gì với mục đích tối thượng trước mắt là an dân?

Dự định là thế nhưng cứ gờn gợn cái câu Bụt chùa nhà không thiêng. Bởi chẳng rõ cử tri xứ Thanh có tìm đến dân biểu Lê Nam không nhỉ? Chưa kịp gặp nhưng Bụt chùa nhà xứ Thanh vừa xuất hiện trên diễn đàn phòng họp Diên Hồng với chất giọng thống thiết. Ông không địa phương chủ nghĩa, không sa đà vào những vụn vặt vụ việc mà hoành tráng đại cục. Không riêng chi chất lượng của nhiệm kỳ QH, mà cả hệ thống nữa. Thử biên ra ít đoạn.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII như một bức tranh đẹp, cũng có phần lãng mạn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều nợ dân, nợ nước.

Luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột, lo lắng vì bệnh nhờn luật và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng lên trên pháp luật.

 Luật Đất đai rất nhiều ĐBQH tha thiết đề nghị nên có chính sách điều chỉnh nhưng đã không được chấp nhận.

Đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu “ĐB phát biểu thì rất hay nhưng tiếp thu thì rất gay” nên xin giữ nguyên như dự thảo.

...Hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ ràng buộc về trách nhiệm, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân

(Chắc khi nói đến đoạn này chỉ có sự đồng cảm và cùng cảnh ngộ, đã từng lăn vào Sầm Sơn một thời vì bình an của dân nên cựu Bí thư Sầm Sơn nay là dân biểu Thanh Hóa mới có được những lời thống thiết dường ấy?)

Dân biểu Lê Nam, ông là ai? ảnh 1

Ông Lê Nam chất vấn thành viên Chính phủ trong Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 17/11/2015. Ảnh: TTXVN

Chợt nhớ nhà thơ Huy Trụ làng tôi từng khắc họa và bắt trúng, bắt đúng cái tính cách của một vùng một miền quê như xứ Thanh.

Đến đất này phải chấp nhận cùng nhau/ một câu nói cũng nửa rừng nửa bể/ đến con sông cũng là sông ngựa (sông Mã)/ chẩy ngang tàng giữa bãi mía nương dâu

Dẫn ra như thế, cũng có ý thông cảm với ông Lê Nam rằng hoạt động trong một môi trường với tính cách đại loại như Huy Trụ từng khái quát, xưa là Trưởng đoàn 14 nay dẫu là dân biểu cũng chả dễ dàng gì? Na ná như thơ Cụ Hồ vốn biết việc đời không phải dễ/ mà nay càng thấy khó khăn hơn (trích trong Ngục trung nhật ký).

Nhớ thêm khóa XII, XIII, Thanh Hóa có dân biểu Lê Văn Cuông, ĐBQH hai khóa liền từng nhiều đận làm không khí hội trường bỏng rẫy với  vụ việc bảy lần Chủ tịch tỉnh không chấp hành lệnh của Thủ tướng. Nhưng đó là một địa phương, một vùng miền khác?

Nói nhỏ thôi rằng chả muốn nghe, thậm chí chả mấy tin, nhưng cứ rờn rợn cái câu đành phải nghe đại loại, người tài xứ Thanh là cứ phải ra xứ khác thì mới vẫy vùng được?

May mắn được hầu các phiên QH hơn 30 năm nay, có cảm giác đa số ĐBQH thường bặt vắng hoặc cực hiếm khi nói đến những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém ở ngay lãnh địa mình phải phụ trách, coi sóc. Khi khoác cái áo QH, lắm vị đã quên bẵng đi mình là ai, ở đâu, đang phải giám sát những gì mà cử tri từng bỏ phiếu cho mình đang bức xúc trông đợi,  trao gửi niềm tin thay vì cao đàm khoát luận chém gió sang tỉnh, sang ngành khác.

Nhưng cử tri cũng như nhiều ĐBQH cho rằng, cũng chớ nên khuyến khích tình cảm, tâm lý cục bộ địa phương chủ nghĩa. Mà hoạt động giám sát cũng như chất vấn phải vượt thoát khỏi những vụn vặt, phải thấy được đại cục.

Nhưng như một xu thế, những nhiệm kỳ QH kế tiếp sẽ xuất hiện thêm nhiều ĐBQH chuyên và bán chuyên trách với tài năng và cả dũng khí nữa liên tục có những hoạt động giám sát chặt chắc, sinh động, hiệu quả không những ở địa phương mình, lĩnh vực mình mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Chưa có nhiều cái ta cần thì đành bằng lòng, thậm chí vui lòng với cái ta đang có. Tuy ít!   

Vậy nên, được chiêm ngưỡng hình ảnh dân biểu Lê Nam bộc bạch,  sòng phẳng, thẳng tuột gan ruột về chất lượng cả một nhiệm kỳ QH mà ông đã bươn chải từng ấy năm, không riêng chi cử tri Thanh Hóa mà cả nước nữa, lại cũng chả sướng sao? 

MỚI - NÓNG